Dù chiếm phần lớn về số lượng trong ngành logistics nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn “lép vế” về doanh thu. Thị phần logistics đang rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện cả nước có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực logistics, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Dù số doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực này chiếm 80% nhưng doanh thu lại thuộc về 20% doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Nói về nguyên nhân này, tại hội nghị triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam đến năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, những yếu kém trên là do doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, lại nằm phân tán và thiếu sự liên kết, do vậy sức cạnh tranh trong lĩnh vực logistics còn yếu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tham gia tại thị trường Việt Nam là những doanh nghiệp rất lớn, có sự liên kết trên toàn thế giới và đang áp đảo về thị phần trong lĩnh vực logistics.
Trước thực tế trên, để tạo động lực mới và đưa ngành logistics của Việt Nam lên tầm cao mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, kế hoạch này sẽ tạo ra nhiều hành lang pháp lý hơn cho hoạt động logistics, trong đó có cả kế hoạch tích hợp hệ thống logistics vào các ngành sản xuất.
Kế hoạch có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; các nhiệm vụ khác.
Kinh phí để thực hiện kế hoạch hành động này sẽ được huy động từ các nguồn như: Vốn ngân sách Nhà nước; vốn doanh nghiệp; vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam, để hỗ trợ ngành này, các địa phương cần có những ưu đãi về thuế, thủ tục xin giấy phép để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Về phía nhà nước, cần hỗ trợ hiệp hội xúc tiến thương mại, đào tạo cho hội viên, thành lập bộ phận tham mưu về logistics ở một số bộ.
Phan Thu (Theo Báo Hải Quan)