Giữa bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến chuyển mới, Canada hiện đứng trước nhiều lựa chọn khác nhau và châu Á là một trong những điểm đến lý tưởng đối với nền kinh tế Bắc Mỹ này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Về TPP và cơ hội tại châu Á
Trong thư điện tử gửi cho mạng tin CBC, người phát ngôn Joseph Pickerill của Bộ Thương mại Quốc tế Canada cho biết Bộ trưởng François-Philippe Champagne khẳng định sẽ tham gia cuộc họp của các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến diễn ra tại Chile vào một ngày chưa xác định trong tháng Ba tới, nhằm bàn về tương lai của hiệp định trong trường hợp không có sự tham gia của Mỹ.
Theo phát ngôn viên Joseph Pickerill, Canada sẽ chủ động phát tín hiệu sẵn sàng theo đuổi thương mại tiến bộ tại khu vực châu Á và rất mong đợi các cuộc thảo luận về vấn đề này. Vấn đề quan tâm của Canada tại Chile là tạo cách tiếp cận chủ động đối với thương mại tiến bộ trên toàn châu Á, theo cách thức đem lại lợi ích trước hết cho tầng lớp trung lưu.
Hiệp định TPP được ký cách đây hơn một năm tại Auckland, New Zealand. 12 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương tham gia hiệp định bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước thành viên tham gia ký kết có thời hạn hai năm để phê chuẩn hiệp định. Hiệp định không thể tiến triển nếu Mỹ không sẵn sàng phê chuẩn.
Vào ngày 23/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh thông báo Mỹ sẽ không tham gia hiệp định. Sắc lệnh của Tổng thống Trump khiến các nước thành viên còn lại rơi vào trạng thái lơ lửng: Về lý thuyết vẫn đồng ý với các nguyên tắc cơ bản đã đạt được, nhưng cần ít nhất một số cuộc đàm phán mới trước khi tiếp tục phê chuẩn TPP sau khi nền kinh tế lớn nhất là Mỹ rút ra khỏi khối.
Chẳng hạn, một số điều kiện tiếp cận thị trường hoặc bãi bỏ thuế có thể có giá trị đối với một số thành viên khi trao đổi với Mỹ. Không có Mỹ, bài toán sẽ có sự thay đổi, ít nhất là vậy. Tuy nhiên, một số chương của TPP hoàn toàn có thể có trong một thỏa thuận tương lai đối với các nước còn lại, nếu họ vẫn muốn xúc tiến.
Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz đã mời Bộ trưởng các nước thành viên còn lại cũng như Trung Quốc và Hàn Quốc tới dự một hội nghị vào tháng Ba nhằm thảo luận về thương mại và tiến trình của TPP. Vẫn chưa rõ nước nào đã xác nhận sẽ tham gia, nhưng ông Munoz cho biết đã nhận được những phản hồi tích cực ở cấp cao.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Bloomberg, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Steven Ciobo của Australia nói rằng TPP vẫn “hoàn toàn” thích hợp khi không có sự tham gia của Mỹ. Theo ông Ciobo, các nước đã đạt được những thành quả sau các cuộc đàm phán căng thẳng nhiều năm trời và rằng nhiều nước cũng không muốn những thành quả đó tuột khỏi tay.
Canada đã có thỏa thuận thương mại song phương với một vài thành viên TPP, như Chile. Nhưng TPP là cách thức để Canada vượt qua khó khăn đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản, một thị trường lớn và giá trị.
Nhật Bản hiện đang tham gia đàm phán với Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc trong một hiệp định có tên Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong RCEP, và thỏa thuận mà nước này muốn có thể không phải là toàn diện hay tiên tiến như TPP dưới sự dẫn dắt của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Thương mại Việt Nam – Canada tăng
Cùng là thành viên TPP, Việt Nam và Canada có mối quan hệ thương mại mật thiết. Số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Canada cho biết năm 2016, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ năm châu Á về kim ngạch xuất khẩu sang Canada và đứng đầu ASEAN về tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều.
Theo đó, tổng kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 4,14 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2015. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Canada 3,744 tỷ USD (tăng 17,1%) và nhập từ Canada 396,5 triệu USD (giảm 23,2%). Xuất khẩu tăng trong khi nhập khẩu giảm mạnh đưa thặng dư thương mại của Việt Nam với Canada ngày càng nới rộng và lên tới 3,347 tỷ trong năm 2016, tăng 24,7% so với năm trước đó.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, mức tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong năm 2016 (tăng 17,1% so với năm 2015) là kết quả khả quan nếu đặt trong bối cảnh tổng kim ngạch xuất khẩu của 10 nước ASEAN sang Canada chỉ tăng 2,8% và kim ngạch xuất khẩu của nhóm ASEAN 6 tăng trưởng âm. Cụ thể, xuất khẩu của Thái Lan sang Canada giảm 2,3%; Indonesia giảm 6,6%; Malaysia giảm 5,4%; Singapore giảm 1,1% và Philippines giảm 8,1%.
Những thành quả trên tiếp tục giữ Việt Nam ở vị trí đứng đầu các nước ASEAN trong trao đổi thương mại hai chiều với Canada và bỏ xa nước đứng thứ hai là Thái Lan với tổng kim ngạch chỉ đạt 3,054 tỷ USD. Riêng về kim ngạch xuất khẩu sang Canada, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5 châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Những nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là máy móc, thiết bị điện và điện tử (tăng 55,5%); vali, túi xách, đồ thể thao (tăng 23,6%), Những nhóm hàng nhập khẩu từ Canada có nhiều biến động mạnh nhất là than đen, than mềm (tăng 105,8%); gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 81,5%); ngũ cốc (giảm 78%) và phân bón (giảm 39%).
Trong khi đó, việc tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận sắp tới cũng sẽ tạo điều kiện để Canada thảo luận về thương mại với Mexico, trong thời điểm chính quyền Tổng thống Trump đe dọa chuyển hướng ưu tiên đang “phủ bóng đen” lên tương lai của Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Một hiệp định trong tương lai có thể là phương tiện để duy trì quan hệ tự do thương mại giữa Canada và Mexico.
Theo Thời báo Ngân hàng