Hà Nội kiến nghị xây dựng chợ đầu mối 250 triệu USD ngay sau kiến nghị di dời chợ Long Biên của Bộ Công thương.
Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PT-NT) ngày 16/2, Bí thư Hoàng Trung Hải kiến nghị bộ quan tâm tới đề xuất xây dựng chợ đầu mối lớn, hiện đại giá trị đầu tư lên tới 250 triệu USD.
Một tiểu thương bán hàng tại chợ đầu mối Long Biên. Ảnh minh họa |
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, chợ đầu mối giúp kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, giúp loại bỏ hơn 100 chợ cóc đang tồn tại.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, hiện có tới 60 chuỗi liên kết được duy trì nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Hà Nội cho rằng cần phát triển nhiều hơn nữa mới kiểm soát được nguồn thực phẩm. Do đó, lãnh đạo thành phố đã đưa ra kiến nghị trên.
Di dời chợ Long Biên, đất vàng để làm gì?
Trước đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2020 do Bộ Công thương phê duyệt, Hà Nội sẽ xoá bỏ chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) giai đoạn 2015 – 2020. Hà Nội dự kiến xây mới 3 chợ đầu mối tại Phú Xuyên, Quốc Oai và Gia Lâm.
Sau khi Bộ Công thương có quyết định đưa chợ Long Biên vào danh sách xóa bỏ, di dời, Sở Công thương Hà Nội đã lên tiếng đính chính “đó chỉ là hiểu nhầm”.
Theo giải thích của Sở Công thương Hà Nội thì chợ Long Biên sẽ được cải tạo, chuyển đổi công năng chứ không phải xóa bỏ hoàn toàn.
Trước thông tin trên, GS.TS. Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói thẳng: “Không phải cứ nói chuyển hay xóa sổ là làm được ngay mà cơ quan đề xuất phải nói rõ lý do để người dân thấy thuyết phục”.
“Nếu lấy lý do chợ quá đông, ô nhiễm môi trường thì có lẽ không thuyết phục vì đã là chợ thì phải đông người. Còn việc mốn chuyển đổi xây chợ mới lại là chuyện khác. Tức là dù là di dời hay giữ lại vẫn phải lý do tại sao và di dời để làm gì thì phải rõ”, ông Bá nói.
GS Bá cũng đặt nghi vẫn nếu khu vực chợ này chuyển đến nơi khác thì rất có thể để làm nhà cao tầng vào khu vực này thì sao. Vì vậy vấn đề này phải được xem xét kỹ”, GS Bá nói.
Cũng bày tỏ sự thiếu đồng tình, GS.TS Nguyễn Quang Thái, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh Tế Việt Nam nêu quan điểm:
“Tôi cho rằng đi hay ở thì các bên đưa ra đề xuất sẽ có những lý do đủ để thuyết phục, song quan trọng hơn cả là phải vì người dân.
Ngành và địa phương phải ngồi với nhau không nên để xảy ra câu chuyện thiếu thống nhất ngay trong cơ quan nhà nước với nhau. Trong khi đó quyết định này liên quan và có ảnh hưởng đến rất nhiều con người đang phụ thuộc vào cái chợ này. Làm như vậy chỉ hại dân thôi”, GS Nguyễn Quang Thái nói.
An An (http://baodatviet.vn)