Các quận – huyện ở TP HCM cần rà soát lại quy hoạch chợ truyền thống, lên kế hoạch di dời chợ tạm; chợ đầu mối cần tăng sức hấp dẫn để thu hút thương nhân chợ sỉ nội thành vào kinh doanh.

  

Khu kinh doanh hoa tại chợ đầu mối Bình Điền chưa hấp dẫn thương nhân vào kinh doanh

Chiều 13-2, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cùng một số sở – ngành, quận – huyện đã có buổi làm việc để giải quyết kiến nghị của các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn.

 

Phí quản lý không còn phù hợp

 

Tại buổi làm việc, các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối kiến nghị TP đẩy nhanh việc điều chỉnh phí quản lý chợ, cho công ty quản lý được chủ động xây dựng phí dịch vụ theo từng ngành hàng vì mức thu hiện hành đã quá lạc hậu, các công ty đang phải bù lỗ.

 

Ông Nguyễn Văn Huây, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết mức phí dịch vụ đã được áp dụng từ năm 2003, khi chợ mới thành lập. Đến nay, nhiều loại chi phí như lương nhân công, quét rác, tiền điện… đã tăng gấp 10 lần nhưng phí quản lý vẫn như cũ. Chẳng hạn, chi phí quét rác tại chợ Thủ Đức từ 30 triệu đồng/tháng đã tăng lên 300 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chợ đầu mối Thủ Đức chỉ thu phí quản lý được gần 300 triệu đồng/tháng, không đủ để trả tiền quét rác, các khoản chi phí khác công ty phải tự thanh toán. “Chúng tôi kiến nghị nâng mức phí dịch vụ lên 4-5 lần hiện tại, cụ thể tăng từ 20.000 đồng/m2 lên 80.000-100.000 đồng/m2. Phí lưu đậu xe trong chợ cũng cần tăng phù hợp với thời giá” – ông Huây nói.

 

Các công ty quản lý còn kiến nghị một số vấn đề liên quan đến tiền thuê đất, mở rộng chợ, cải tạo đường giao thông để xe ra vào thuận tiện hơn… Đồng thời, đề nghị UBND TP HCM có chính sách quyết liệt, nhất quán trong việc di dời các chợ sỉ ở nội thành ra chợ đầu mối; giải tọa chợ tạm, chợ tự phát xung quanh để tạo sự công bằng cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ đầu mối.

 

Theo bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, nhiều chợ và điểm buôn bán trái phép, tự phát xung quanh khu vực này đang tạo sự không công bằng cho tiểu thương kinh doanh trong chợ đầu mối.

 

Tăng sức hấp dẫn

 

Trả lời kiến nghị của chợ đầu mối Bình Điền, đại diện Chi cục Thú y TP HCM cho biết các hộ kinh doanh gia cầm trên Quốc lộ 50 có đăng ký hộ kinh doanh cá thể, được thẩm định và cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm. Khu vực này không nằm trong quy hoạch di dời ra chợ đầu mối. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Chi cục Thú y, khu vực kinh doanh thịt tươi sống tại chợ đầu mối Bình Điền đã quá tải, không đủ mặt bằng để tiếp nhận thêm các hộ kinh doanh ở quận 8 di dời vào. Liên quan đến 2 chợ hoa Hồ Thị Kỷ và Đầm Sen, đại diện UBND quận 10 và quận 11 cũng nhìn nhận đây không phải là chợ mà là các hộ kinh doanh cá thể, HTX có kinh doanh mặt hàng hoa tươi. Trong quy hoạch di dời chợ sỉ nội thành ra ngoại thành không đề cập mặt hàng hoa tươi, các điểm kinh doanh nói trên cũng khó xác định là bán sỉ hay lẻ nên khó thuyết phục tiểu thương di dời. Quan trọng hơn, Sở Công Thương và lãnh đạo quận đã kết nối các tiểu thương kinh doanh hoa tại 2 chợ này với Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền và các tiểu thương đã trực tiếp tham quan nhưng không mặn mà di dời vào vì khu vực kinh doanh hoa ở đây hoạt động chưa hiệu quả.

 

Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định chủ trương chung của TP là phát triển 3 chợ đầu mối theo hướng văn minh, hiện đại, trở thành điểm đến du lịch của TP. Vì vậy, phải xây dựng cho được thương hiệu chợ đầu mối và các quầy sạp, hàng hóa kinh doanh tại chợ. Sở Công Thương làm đầu mối kết nối nhà cung cấp các địa phương với nhà phân phối, tiểu thương ở chợ để xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu chợ, loại dần hàng hóa kém chất lượng ra khỏi chợ đầu mối.

 

Ông Tuyến nhấn mạnh chủ trương TP là di dời các chợ sỉ ra khỏi nội thành nhằm bảo đảm an ninh trật tự, giảm áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường… Do đó, các quận – huyện cần rà soát lại quy hoạch chợ truyền thống, lên kế hoạch di dời chợ tạm và chậm nhất trung tuần tháng 3 tới phải có báo cáo cho UBND TP. Trường hợp chợ nào cần tồn tại thì phải có ý kiến cấp ủy, trên cơ sở không được lấn chiếm lòng lề đường, gây ảnh hưởng đến giao thông. UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm với UBND TP về tình trạng chợ tạm lấn chiếm vỉa hè và phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng này. Ông Tuyến cũng nhắc nhở 3 chợ đầu mối sớm có giải pháp tăng sự hấp dẫn để thu hút tiểu thương các chợ sỉ nội thành vào buôn bán. Riêng kiến nghị về phí dịch vụ chợ, UBND TP giao Sở Tài chính xây dựng mức phí cụ thể, chậm nhất giữa tháng 3 trình UBND TP để thông qua.

 

Thanh Nhân (Theo NLĐ)