Thống kê đến năm 2015, doanh thu từ thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2012.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD (Ảnh minh họa)
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Đây là một con số đáng mơ ước của bất kỳ một ngành kinh doanh dịch vụ nào, song giới chuyên gia nhận định rằng Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được.
Thống kê đến năm 2015, doanh thu từ thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2012 (0,7 tỷ USD). Đây là một con số đáng mơ ước của bất kỳ một ngành kinh doanh dịch vụ nào, nhất là với một ngành còn non trẻ như TMĐT.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết: TMĐT sẽ là sự phát triển tất yếu trong tương lai rất gần. Tuy nhiên, TMĐT tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức để phát triển, như vấn đề thanh toán trực tuyến, giao hàng hay sử dụng công nghệ di động. Phương thức bán hàng đa kênh (kết hợp cả online và offline) cũng là phương thức bán hàng tất yếu, đã phát triển trong thời điểm hiện tại chứ không còn quá xa vời nữa.
Thực vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, quy mô của TMĐT tại nước ta còn quá nhỏ bé so với các hình thức kinh doanh khác ngay tại Việt Nam chứ chưa nói tới việc so sánh với các nước trên thế giới.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, năm 2015, doanh thu từ TMĐT tại Mỹ đạt 355 tỷ USD, chiếm 5% tổng tỉ trọng ngành bán lẻ, ở Trung Quốc là 637 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng tỷ trọng ngành bán lẻ. Còn tại Việt Nam, với doanh thu hơn 4,07 tỷ USD, mới chỉ chiếm 2,8% tổng tỷ trọng ngành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội TMĐT Việt Nam cần phối hợp để có nhiều hoạt động thiết thực hơn nhằm đẩy mạnh sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam, bắt kịp đà phát triển chung của TMĐT thế giới, góp phần phát triển ngành thương mại nội địa.
Theo Tạp chí Tài chính