Ảnh minh họa.

 

Liên tục tăng độ phủ

 

Khảo sát của Tập đoàn tư vấn A.T Kearney (Mỹ) đã chỉ ra mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ (mini-marts) là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay. Điều này cũng được chứng minh bằng việc xâm nhập thị trường của “gã khổng lồ” cửa hàng tiện lợi thế giới 7-Eleven, bên cạnh hàng loạt chuỗi cửa hàng kinh doanh theo mô hình này đến sớm hơn như Vinmart, Circle K, Family Mart, Ministop, Shop & Go, Bibo Mart…

 

Tận dụng từng mét vuông để tối ưu hóa lợi nhuận, điều này doanh nghiệp Việt đã làm rất tốt. Theo đánh giá của Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor Intenational Việt Nam, FPT Shop có hiệu quả bán hàng cao nhất với doanh thu 15.000 USD/m2/năm. Thế giới di động đạt 5.076 USD/m2/năm, trong khi Trần Anh đạt hơn 11.000 USD/m2/năm và các nhà bán lẻ còn lại đạt doanh thu dưới 10.000 USD/m2/năm.

 

Chiến thuật “nhỏ nhưng có võ” giúp các doanh nghiệp Việt tiến lên trong cuộc đua giành miếng bánh thị phần bán lẻ. MWG, FPT Shop, Trần Anh, Bibo Mart… đã rất thành công ở chiến thuật này. Trong 6 tháng đầu năm 2017, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đạt doanh thu 31.243 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 49% kế hoạch cả năm (mục tiêu doanh thu năm 2017 là 63.280 tỷ đồng). Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, MWG có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.070 tỷ đồng.

 

Đây là kết quả đầy lạc quan của MWG nhờ chiến lược liên tục mở rộng cửa hàng, siêu thị quy mô nhỏ, vị trí đẹp. Riêng trong 6 tháng vừa qua, MWG đã mở thêm 272 siêu thị mới trên toàn quốc, trong đó có 62 siêu thị thegioididong.com, 148 siêu thị Điện máy xanh và chuỗi Bách hóa xanh đã mở thêm 62 siêu thị mới. Tính đến cuối tháng 6, MWG có 1.527 siêu thị đang phục vụ khách hàng, trong đó chuỗi thegioididong.com có 1.013 siêu thị, chuỗi Điện máy xanh có 404 siêu thị và 110 siêu thị Bách hóa xanh.

 

FPT Shop cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện FPT Shop cho biết, doanh thu thuần 6 tháng đạt 6.355 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 6 tháng cuối năm 2017, FPT Shop tiếp tục chiến lược tăng độ phủ bằng mở rộng hệ thống cửa hàng, hoàn thiện chất lượng phục vụ và cố gắng hoàn thành mục tiêu đặt ra.

 

Bibo Mart, đơn vị bán lẻ trong lĩnh vực sản phẩm mẹ và bé cũng sử dụng chiến thuật liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng, phủ đỏ thương hiệu khắp các tỉnh thành. Bà Trịnh Lan Phương, CEO Bibo Mart cho biết, năm 2017, Bibo Mart tiếp tục mở rộng hệ thống chuỗi lên 180 cửa hàng. Đến năm 2019, số cửa hàng dự kiến đạt con số 500, đem về doanh thu ít nhất 300 triệu USD, giá trị doanh nghiệp đạt 500 triệu USD.

 

Khai thác tiềm năng lớn của thị trường

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2017, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 243.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 10,85 tỷ USD), lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 64,3 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, ngành bán lẻ có mức tăng trưởng 10,2%.

 

Bán lẻ Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) vừa công bố tháng 6/2017. Giới phân tích nhận định, khả năng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt đến gần 130 tỷ USD trong năm nay so với mức 118 tỷ USD năm ngoái.

 

Nhận định về triển vọng thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam cho rằng, dư địa tăng trưởng của thị trường này còn rất lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ có những bứt phá trong thời gian tới.

 

Hiện kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% tổng mức bán lẻ, để tiếp tục giành thị phần và tăng trưởng doanh thu, doanh nghiệp Việt không nên bỏ ngỏ kênh phân phối này, tập trung nhiều hơn trong mở rộng kênh online.

 

Thị trường bán lẻ trong nước đang tăng trưởng nhanh và có doanh số lớn hơn khá nhiều so với dự báo của nhiều nhà bán lẻ và các công ty tư vấn quốc tế đánh giá. Với chiến lược mở rộng cửa hàng nhiều – nhanh – nhỏ, các “ông lớn” bán lẻ Việt đang nỗ lực vượt lên các nhà bán lẻ ngoại trong cuộc đua giành thị phần.

 

Theo ĐTCK