Một điều đặc biệt ở Điện Quang, là trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, có lúc trào lưu đầu tư đa ngành nghề diễn ra mạnh mẽ, nhưng công ty này vẫn chỉ tập trung duy nhất vào ngành cốt lõi đó là sản xuất thiết bị chiếu sáng.
Slogan “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người Việt, mỗi khi liên tưởng tới bóng đèn điện.
Thành lập năm 1973, hiện vẫn là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện tại Việt Nam, thương hiệu Việt này đã có 45 năm tồn tại qua nhiều thăng trầm của đất nước.
Đi qua khủng hoảng
Hình thành từ trước ngày đất nước thống nhất, cho đến thời điểm cổ phần hóa, Điện Quang vẫn chỉ là một công ty nhỏ với mức vốn 23,5 tỷ đồng, thị trường eo hẹp do sản phẩm lỗi thời, lại bị hàng nhập lậu và các công ty nước ngoài chèn ép.
“Cơ chế cứng nhắc của doanh nghiệp quốc doanh khiến Điện Quang như tự trói mình, đổi mới công nghệ và xác lập thị phần là cái gì quá viển vông, đời sống cán bộ công nhân viên vô cùng khó khăn”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Điện Quang, ông Hồ Quỳnh Hưng nhớ lại.
Ông Hưng kể, có hai thời điểm mà công ty gặp khó khăn rất lớn, tưởng chừng như không thể vượt qua. Đó là năm 2003 và năm 2008.
Năm 2003, quyết định của Bộ Công nghiệp sáp nhập Công ty Thủy tinh Phả Lại vào Điện Quang làm cho tình hình tài chính của Điện Quang thêm khó khăn hơn. Do không làm chủ được công nghệ, Thủy tinh Phả Lại để lại lượng hàng tồn kho lớn, nợ phải trả lên tới 70,3 tỷ đồng, công nợ phải thu rất lớn, gần như mất khả năng chi trả.
Còn vào thời điểm 2008, khách hàng lớn nhất của Điện Quang là Cuba nợ tới hơn 1.000 tỷ đồng và lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đến năm 2009 thì dừng hẳn đơn hàng. Nợ khó đòi lớn, thị trường lại khủng hoảng, công ty rơi vào tình cảnh rất khó khăn.
Năm 2005, Điện Quang chính thức được cổ phần hoá và năm 2008 được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE với mã giao dịch DQC. Đây cũng là giai đoạn phát triển “thần kỳ” của thương hiệu Việt này.
Năm 2005, vốn điều lệ của Điện Quang chỉ 23,5 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 343,6 tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2005 chỉ 218 tỷ đồng thì đến nay đã tăng lên 1589 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đã tăng gấp 52 lần so với năm 2005.
Về doanh thu, từ mức 162 tỷ của năm 2005, Điện Quang hiện đã trở thành công ty đạt doanh thu ngàn tỷ, năm 2016 đạt 1.038 tỷ đồng.
Những ngày đầu thành lập, Điện Quang mới chỉ sản xuất hai loại sản phầm là đèn huỳnh quang và đèn tròn, đến nay danh mục sản phẩm công ty này cung ứng ra thị trường đã lên tới hàng ngàn sản phẩm.
Điện Quang đã sở hữu 5 nhà máy với các dây chuyền sản xuất đồng bộ với năng lực sản xuất xấp xỉ đạt 200 triệu sản phẩm/ năm.
Trong nước, bóng đèn Điện Quang đã phủ sóng 63 tỉnh thành với hàng chục nghìn đại lý, điểm bán. Trên thị trường quốc tế, các sản phẩm của Điện Quang lần lượt được xuất khẩu sang 30 quốc gia gồm thị trường Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, EU và cả châu Mỹ.
Đặc biệt tại Myanmar, Điện Quang đã xây dựng được một hệ thống phân phối mạnh, đưa thương hiệu Điện Quang trở thành một trong ba thương hiệu chiếu sáng nổi tiếng nhất ở đây.
Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu công nghệ, chất xám ra thị trường thế giới với việc ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất đèn compact tiết kiệm điện trị giá 10 triệu USD cho Venezuela. Doanh thu từ xuất khẩu có năm đã cán mốc hơn 55 triệu USD.
Bước chuyển mình mới
Một điều đặc biệt ở Điện Quang, là trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, có lúc trào lưu đầu tư đa ngành nghề diễn ra mạnh mẽ, nhưng công ty này vẫn chỉ tập trung duy nhất vào ngành cốt lõi đó là sản xuất thiết bị chiếu sáng.
Trong bối cảnh thu nhập người dân ngày một tăng, dự báo năm 2020 thu nhập của người của người Việt đạt bình quân 3.000 USD/người, tầng lớp trung lưu ra đời và tăng nhanh, Điện Quang cũng thay đổi mạnh mẽ.
Từ slogan “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang”, công ty đặt thêm tiêu chí: sản phẩm không chỉ chất lượng mà còn phải hướng đến tính thẩm mỹ và tiện nghi.
Công ty đã đầu tư nhà máy công nghệ cao Điện Quang tại khu công nghệ cao Tp.HCM, chuyên sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, công suất lên tới 70 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động năm 2018.
Nghiên cứu phát triển và thử nghiệm cũng là một trong những ưu tiên của Điện Quang. Ông Hưng cho biết, hiện tại Điện Quang đã thành lập khối IOT, chuyên nghiên cứu các sản phẩm chiếu sáng smartlighting, hệ thống điều khiển smarthome…, phục vụ cho dân dụng và công nghiệp. Ngoài thế mạnh là các sản phẩm chiếu sáng indoor, công ty cũng đẩy mạnh chiếu sáng outdoor, đặc biệt là đèn đường LED chất lượng cao, phục vụ cho chiếu sáng đô thị.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường chiếu sáng, đặc biệt các sản phẩm bóng đèn giá rẻ đến từ Trung Quốc, ban lãnh đạo Điện Quang cho biết, mục tiêu giai đoạn tới của công ty là đẩy lùi được hàng nhập khẩu chất lượng thấp tại thị trường Việt Nam.
http://vneconomy.vn