Cả Jack Ma, Dalai Lama cũng như CEO của LinkedIN Jeff Weiner đều đề cao LQ, chỉ số trắc ẩn và họ cho rằng một lãnh đạo tốt là người phải biết đặt mình vào góc nhìn người khác chứ không phải cảm thông suông.
Ngày càng có nhiều lãnh đạo trên thế giới theo phong cách Servant Leadership (lãnh đạo phục vụ, lãnh đạo đầy tớ) khi mà những người lãnh đạo hòa mình nhiều hơn với nhân viên, ngược với lối tư duy lãnh đạo chủ động khi mà “sếp” nắm đầu toàn bộ nhân viên yêu cầu họ làm theo ý mình. Một người lãnh đạo phục vụ sẽ biết cách làm cho cuộc sống của những nhân viên thêm phong phú hơn, tạo ra những tổ chức tốt hơn và từ đó hình thành nên một thế giới tươi đẹp.
Mặc dù vậy, để trở thành được một người lãnh đạo phục vụ, họ phải có được lòng trắc ẩn, sự cảm thông với người khác. Không chỉ thông qua cách thức thể hiện tình yêu, sự quan tâm để đạt được kết quả mà nó còn tới từ một yếu tố mà Jack Ma, CEO của Alibaba gọi là LQ (Love quotient), một chỉ số mà theo ông còn quan trọng hơn cả IQ hay EQ.
Jack Ma hiện tại đang được biết tới là người đi đầu trong việc phổ biến LQ với mọi người. Ông cho rằng để đo được sự thành công của một cá nhân hay tập thể, chúng ta không nên lấy tài sản hay tiền ra để toan tính mà phải sử dụng tới LQ, tìm xem mình đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề, giúp đỡ được bao nhiêu người trên hành tinh này.
Jack Ma nói: “Bạn có thể trở thành một cỗ máy kiếm tiền, thế nhưng sau đó thì sao? Nếu bạn không đóng góp chút nào cho thế giới, sẽ chẳng có chút LQ nào trong bạn… tình yêu là thứ mà bạn phải tuân theo, đó là điều bắt buộc”.
Tới cả Dalai Lama, người mà Jack Ma tôn sùng cũng đánh giá rất cao chỉ số LQ trong cuộc sống. Ông từng nói:
“Nếu chúng ta nói ‘hãy rèn luyện lòng trắc ẩn của mình vì nó có tính tôn giáo rất cao’, tất nhiên sẽ chẳng ai quan tâm. Thế nhưng, nếu chúng ta nói rằng một trái tim ấm, một con người trắc ẩn sẽ khiến huyết áp ổn định, không căng thẳng, không stress và cải thiện sức khỏe… đó là khi mọi người bắt đầu để tâm tới LQ”.
CEO của LinkedIn, Jeff Weiner cũng đồng tình với LQ, trong một bài viết trên trang cá nhân, ông nói:
“Giống như Dalai Lama giải thích, nếu như bạn đang đi trên một con đường và gặp một người bị tảng đá đè, một người đồng cảm sẽ nhận được cảm giác tương tự như người bị đè kia từ đó họ chẳng giúp ích được gì cho người bị đá đè. Thế nhưng, một người có lòng trắc ẩn sẽ hiểu được nỗi đau của người bị hại từ đó có sức mạnh để di dời tảng đá, cứu giúp người gặp nạn. Nói đơn giản thì lòng trắc ẩn là thứ gì đó cao cấp hơn của sự đồng cảm, nó cho chúng ta hòa nhập vào góc nhìn của một người khác, mang lại giá trị cao trong công cuộc cũng như công việc”.
Cả Jack Ma, Dalai Lama hay Jeff Weiner đều đồng tình rằng nếu bạn chinh phục thế giới bằng sự trắc ẩn, bạn có thể vượt qua bất kì khó khăn nào mà không gặp trở ngại. Trong lãnh đạo cũng vậy, một lãnh đạo có lòng trắc ẩn luôn chiến thắng những người chỉ biết cảm thông.
Theo Trí Thức Trẻ