Đây là phát biểu của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tại hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối”, sáng 24/10/ 2017 tại Hà Nội.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng hiệu quả của việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối chưa được như mong muốn. Sự quan trọng và cần thiết đã được khẳng định nhiều nhưng vẫn có lúc việc kết nối được triển khai theo phong trào và chưa thực chất. Lúc này là thời điểm cần một tư duy mới với quyết tâm kết nối mạnh mẽ hơn.
Có 4 điểm cần lưu ý để nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ. Theo bà Loan, việc kết nối phải được đặt trong bối cảnh hiện nay với nhiều lưu ý, cụ thể:
Thứ nhất, kết nối từ hai phía, từ phía nhà sản xuất, cung ứng và từ phía nhà bán lẻ, phân phối. Hai phía cần hiểu nhau để cùng hướng đến kết nối, thay vì tình trạng các đơn vị đổ lỗi cho nhau hoặc cho rằng đối tác đặt ra tiêu chuẩn cao để từ chối hỗ trợ.
Thứ hai, kết nối trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. “Nếu như thời điểm này chúng ta vẫn còn thái độ bài xích, kỳ thị hàng nhập khẩu thì không còn phù hợp. Chúng ta phải thấy việc mở cửa thị trường, hàng hóa vào Việt Nam với thuế suất 0% là thách thức rất lớn. Chúng ta chỉ có một con đường: Tiến lên cạnh tranh hay chấp nhận thua cuộc, rời bỏ thị trường. Đây là nhận thức chung cần được các bên nhìn nhận và xem xét” – bà Loan nói.
Thứ ba, kết nối sản xuất phải gắn liền với phát triển khâu phân phối bán lẻ. Bà Loan cho biết, ở đâu đó vẫn coi doanh nghiệp bán lẻ là tầng lớp trung gian, “vừa ăn chặn của người sản xuất, bà con nông dân, vừa móc túi người tiêu dùng”. Đây là những nhận định không chính xác và thiếu khách quan. Doanh nghiệp phân phối bán lẻ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, cần phải đánh giá đúng vai trò để có biện pháp phát triển.
“Trên thực tế, các chương trình khuyến nông, khuyến công, khời nghiệp đã mang lại những kết quả tốt. Sản phẩm, dịch vụ tạo ra nhiều và các doanh nghiệp khởi nghiệp tràn trề mong ước, kỳ vọng vào tương lai. Nhưng đầu ra không giải quyết được, không làm sao kết nối được với thị trường thì sản phẩm sẽ bị tồn đọng hay phải giải cứu” – bà Loan đánh giá.
Thứ tư, kết nối phải đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Bà Loan cho rằng, bán lẻ trực tuyến đã trở nên phổ cập. Hiện nay các nhà sản xuất và bán lẻ phải cập nhật kiến thức về “bán lẻ đa kênh”. Khi các bên không hiểu vấn đề và không đặt mình vào thời đại số thì kết nối sẽ không hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới cho biết, yêu cầu của nhà bán lẻ chỉ là một khó khăn với doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất cũng đang gặp khó với các quy định của cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, doanh nghiệp của ông Tuân đang sản xuất mặt hàng lúa gạo, canh tác theo phương thức hữu cơ – điều mà nhà nước chưa có hệ thống tiêu chuẩn.
“Chúng tôi rất mong muốn tiếp cận với những nhà phân phối lớn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa được, vì các nhà phân phối bán lẻ lớn có yêu cầu rất chặt chẽ về giấy tờ, quy trình sản xuất trong. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận đối với nông sản hữu cơ” – ông Nguyễn Văn Tuân nói.
Hiện tại, những hệ thống phân phối nhỏ hơn là sự lựa chọn của doanh nghiệp này. Ông Tuân cho biết, công ty đã mời đại diện đơn vị phân phối đến tận ruộng để chứng minh quy trình sản xuất sạch. Nhưng nhiều khi những lời giải thích vẫn là thừa vì thiếu đi giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Vì vậy, doanh nghiệp cũng tự đưa sản phẩm ra thị trường và thuyết phục khách hàng.
Có nhiều cách để đưa sản phẩm ra thị trường mà doanh nghiệp sản xuất có thể thực hiện: Tự phân phối, tập trung vào sản xuất và giao khâu bán lẻ cho doanh nghiệp phân phối, hoặc chọn cả hai phương thức. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan mong muốn việc kết nối sẽ được thức đẩy mạnh hơn.
“Phải làm sao để cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm Việt. Bản thân các nhà bán lẻ cũng cần yêu thích sản phẩm ấy mới có thể giới thiệu đến người tiêu dùng” – bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận định.
Theo Trí thức trẻ