Hai gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là Alibaba và Tencent đang tìm mọi cách thâm nhập thị trường thanh toán điện tử Việt Nam.
Alibaba, người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập thị trường thanh toán điện tử Việt Nam.
Alibaba vào “cửa hậu”
Ngày 6/11 tới, tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba sẽ dự và có phiên đối thoại về kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán di động tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, diễn ra tại Hà Nội. Sau đó, ông Jack Ma sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Giới doanh nghiệp nhận định, rất có thể, tới Việt Nam lần này, ông Jack Ma tìm kiếm một lối mở để vào thị trường thanh toán điện tử, tài chính của Việt Nam, vốn đang rất tiềm năng.
Tại Trung Quốc, thanh toán điện tử đang thay thế hoàn toàn tiền mặt khi hầu hết người dân đều dùng điện thoại để chi trả mọi nhu cầu mua sắm hàng ngày. Theo báo cáo của Công ty tư vấn Analysys International có trụ sở tại Bắc Kinh, trong quý II/2017, tổng giá trị giao dịch thanh toán di động thông qua bên thứ ba tại Trung Quốc đạt khoảng 3.460 tỷ USD. Hai “gã khổng lồ” chiếm trên 92% thị phần thanh toán di động ở Trung Quốc là Alibaba và Tencent. Trong đó, Alipay – dịch vụ thanh toán di động của Alibaba dẫn đầu với 53,7% thị phần, còn Wechat Pay của Tencent Finance chiếm 39,1% thị phần.
Trước đó, vào tháng 4/2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada, hiện hoạt động tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Đúng một năm sau, tháng 4/2017, dịch vụ thanh toán trực tuyến HelloPay của Lazada đã hợp nhất với Ant Financial, nền tảng thanh toán trực tuyến qua di động sở hữu bởi Alibaba. Ngay sau đó, HelloPay đổi tên thành Alipay Singapore, Alipay Malaysia, Alipay Indonesia và Alipay Philippines theo tên các thị trường mà Lazada đang hoạt động.
Trong một động thái khác, ông Jack Ma hiện bày tỏ kế hoạch chi 1,5 tỷ USD đầu tư vào Grab, ứng dụng gọi xe trực tuyến hiện đang “làm mưa, làm gió” tại Việt Nam. Trước đó, Alipay đã hợp tác với Grab thông qua việc cho phép các du khách Trung Quốc đến thăm Singapore và Thái Lan có thể thanh toán với Grab bằng Alipay từ tháng 6/2016. Theo Grab cho biết, điều này cho phép các du khách Trung Quốc có thể thoải mái thanh toán bằng đồng NDT mà không phải lo lắng về chuyển đổi ngoại tệ.
Alipay đang gây rúng động và là nỗi lo sợ của ngành tài chính ngân hàng Đông Nam Á. Tham vọng thâm nhập Việt Nam của Alibaba cũng trở nên rất rõ ràng.
Được biết, một công ty con của Alibaba đang xin cấp phép bù trừ thanh toán tại Việt Nam, nhưng chưa được chấp nhận. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trung gian thanh toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt như được Ngân hàng Nhà nước thẩm định và cấp phép hoạt động. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), về dịch vụ trung gian thanh toán thì hiện nay, Việt Nam không có cam kết mở rộng thị trường.
Mặt khác, với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông là từ 49 – 65% (có hạ tầng mạng và không có hạ tầng mạng), mặt khác, do ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nên hiện Nhà nước đang giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng là 30%.
Nhưng rất có thể, Alipay sẽ vào “cửa hậu” như cách Alibaba mua lại Lazada, Grab để thâm nhập thị trường Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Tencent đi thâu tóm
Trong khi đó, đối thủ của Alibaba là Tencent cũng đã có những động thái khá quyết liệt. Con đường mà Tencent nhắm tới là thông qua thâu tóm thương mại điện tử để đặt chân vào thanh toán điện tử bằng sản phẩm Wechat Pay.
Nền tảng Yuebao của Jack Ma đã trở thành quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới, với số vốn vượt mức 170 tỷ USD và trực tiếp trở thành mối đe dọa của ngành ngân hàng truyền thống Trung Quốc. Yuebao nhận tiền từ tài khoản Alipay, trả lãi cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng đã biến Alipay thành một quỹ tiền nhàn rỗi khổng lồ với hơn 300 triệu người dùng, dễ dàng chuyển và rút tiền vào mọi lúc với số lượng bất kỳ chỉ bằng vài động tác.Yuebao từng thu hút 100 tỷ nhân dân tệ từ hơn 29 triệu khách hàng chỉ trong vòng 6 tháng khi ra mắt. Sau đó, Yuebao cho các doanh nghiệp, cá nhân vay lại với lãi suất thỏa thuận.
Wechat có 938 triệu người dùng hàng tháng, nền tảng thanh toán Wechat Pay đã ra mắt tại châu Âu và các nước Đông Nam Á, châu Phi.
Tại Việt Nam, Garena, một công ty con của Tencent đang nắm thị phần rất lớn về game và đang chuyển sang thâu tóm thương mại điện tử. Mới đây nhất, Sea (Garena đổi tên) đã mua lại 82% cổ phần Foody.vn với giá 64 triệu USD. Sea mở rộng thêm mảng thương mại điện tử với Shopee và thanh toán trực tuyến là AirPay.
Hiện mỗi tháng, Shopee có khoảng 2,7 – 3,6 triệu đơn hàng, tương đương 100.000 đơn hàng/ngày và bám sát Lazada Việt Nam của Alibaba.
Các doanh nghiệp cho rằng, ứng dụng thanh toán của Tencent sẽ thâm nhập vào Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và mở rộng sang lĩnh vực tài chính sau khi đã “chắc chân” tại thị trường Việt Nam. Riêng Wechat Pay sẽ bám theo dấu chân của hàng triệu khách du lịch tới Việt Nam mỗi năm.
Những động thái thâm nhập thị trường cùng với thực tế xảy ra ở ngay Trung Quốc, châu Âu, các nước ASEAN, châu Phi đã khiến các ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam không khỏi lo ngại Alibaba và Tencent sẽ thâu tóm, lũng đoạn thị trường tài chính Việt Nam.
“Hãy tưởng tượng, Wechat hoặc Alibaba, thậm chí cả hai, rót vài chục triệu USD vào thị trường tài chính Việt Nam, chấp nhận bù lỗ để đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, thậm chí sẵn sàng không thu phí tất cả các dịch vụ về thanh toán trong 2 – 3 năm đầu tiên… Khi đó, hoạt động thanh toán tại Việt Nam sẽ ra sao? Số tiền 10 triệu hay 100 triệu USD đối với WeChat hay Alibaba không phải vấn đề lớn để các công ty này thâu tóm thị phần Việt”, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank lo ngại.
Hữu Tuấn (Theo Báo Đầu Tư)