Dragon Capital Markets Limited, công ty quản lý quỹ của nhóm Dragon Capital, vừa bán ra 1 triệu cổ phiếu, tương tương 5% vốn của FPT Retail. Đây là đơn vị sở hữu chuỗi FPT Shop, F.Studio. Sau giao dịch, Dragon Capital Markets Limited không còn nắm cổ phiếu nào nữa tại đây.
Đầu tư mạnh vào MWG và FPT Retail
Bên nhận mua là Hanoi Investments Holdings Limited, một quỹ đầu tư mới toanh, vừa được cấp chứng nhận kinh doanh vào ngày 18.9.2017. Nhưng theo thông tin công bố, Hanoi Investments Holdings Limited là thành viên của quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), nghĩa là có liên quan đến nhóm Dragon Capital. Vì thế, về bản chất, đây là giao dịch nội bộ. Phía Công ty quản lý quỹ cũng cho biết, nhóm Dragon Capital hiện nắm 4 triệu cổ phiếu, tương đương 20% cổ phần tại FPT Retail.
Tính ra, Dragon Capital đã là cổ đông lớn thứ 2 tại FPT Retail, chỉ sau FPT. Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital, từng nhận định: “Thị trường tiêu dùng Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, với quy mô dân số gần 100 triệu người và doanh số bán lẻ hằng năm hơn 110 tỉ USD. Trong đó, bán lẻ điện thoại đi động và thiết bị điện tử đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua”.
Đây có lẽ là lý do để Dragon Capital quan tâm tới mảng bán lẻ, nhất là bán lẻ điện thoại di động. Trên thực tế, trước khi tham gia đầu tư ở FPT Retail, Dragon Capital đã rót vốn vào Thế Giới Di Động (MWG). Cuối tháng 9 năm ngoái, 2 quỹ của Dragon Capital là Amersham Industries Limited và Norges Bank từng mua lại hơn 2,7 triệu cổ phiếu MWG từ tay Mekong Capital. Đến cuối tháng 7.2017, theo các thông tin công bố, các quỹ trong nhóm Dragon Capital đang sở hữu khoảng 31,3 triệu cổ phiếu MWG, tức hơn 10% vốn điều lệ ở MWG.
Sự hiện diện của nhóm Dragon Capital trong vai trò cổ đông lớn, ở cả 2 công ty bán lẻ điện thoại di động lớn nhất thị trường và cũng là đối thủ của nhau cho thấy những bước đi đặc biệt của Dragon Capital trong ngành này. Dragon Capital nhảy vào MWG trong bối cảnh nhiều quỹ tìm cách chốt lời. Sang năm 2017, Dragon Capital vẫn tiếp tục mua vào MWG bất chấp cổ phiếu này ở vào vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Lý do được Dragon Capital đưa ra bởi MWG là một trong những doanh nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng mạnh.
Riêng khoản rót vốn vào FPT Retail, ông Vũ Hữu Điền từng cho biết, Dragon Capital nhìn vào tính chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo, kinh nghiệm quản trị, điều hành và khả năng tiến xa hơn trong mảng bán lẻ của FPT Retail.
Dragon Capital tính gì?
Dragon Capital là nhà đầu tư tài chính. Mối quan tâm của nhà đầu tư tài chính thường sẽ là cổ tức, lợi nhuận, lợi ích nhận về từ khoản đầu tư hơn là can thiệp sâu vào kế hoạch, định hướng của các công ty. Vì thế, trong một cuộc trả lời phỏng vấn 2 tháng trước, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc FPT Retail, cho biết Công ty không kỳ vọng Dragon Capital, VinaCapital sẽ tác động, tạo ra thay đổi. FPT Retail chỉ cần những người đồng hành như Dragon Capital, VinaCapital để tiếp tục triển khai các định hướng sẵn có.
Bà Điệp cho biết thêm, phía Dragon Capital ủng hộ các kế hoạch, chiến lược của FPT Retail và không yêu cầu thay đổi gì đặc biệt. Nhưng Dragon Capital có đề cập đến việc có thể hỗ trợ giới thiệu FPT Retail hợp tác với các công ty trong danh mục mà Dragon Capital đang đầu tư. Điều này đồng nghĩa, một cái bắt tay giữa FPT Retail với MWG có thể xảy ra.
Khả năng này càng gia tăng khi ông Trương Gia Bình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FPT, đã nêu quan điểm “FPT muốn hình ảnh mình tập trung vào công nghệ chứ không phải kết hợp giữa thương mại và công nghệ”. Vì thế, không riêng FPT Retail mà cả FPT Trading, FPT chủ trương không nắm giữ tối đa nữa. Trước mắt, thị trường đã thấy FPT chuyển nhượng 47% vốn cổ phần ở FPT Trading cho Synnex (Mỹ). Nguồn tiền bán cổ phần này, FPT dự tính sẽ dồn vào đầu tư mảng phần mềm. Đây là chiến lược mà FPT sẽ tập trung phát triển. Nhưng kể từ sau khi mua công ty phần mềm ở Slovakia, FPT chưa tìm được đối tác tin cậy để mua tiếp. Ông Trương Gia Bình hy vọng: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung mua các công ty tại thị trường Mỹ và Nhật và sẽ có kết quả rõ ràng”.
Với thông điệp đó, vai trò của FPT tại FPT Retail, FPT Trading dự báo sẽ còn suy giảm. Vai trò của những cổ đông lớn khác như Dragon Capital, VinaCapital ở FPT Retail có thể sẽ tăng lên, nhất là khi FPT Retail dự tính sẽ bán tiếp 10% cổ phần trong năm nay.
Thực tế, ngay sau thương vụ chuyển nhượng 30% cổ phần ở FPT Retail cho Dragon Captal, VinaCapital, bà Nguyễn Bạch Điệp đã có những chia sẻ về chiến lược, định hướng của FPT Retail. Cụ thể, FPT Retail tính toán thấy rằng, trong 2 năm tới, nếu phát triển theo đà hiện tại, để đảm bảo tăng trưởng, FPT Retail sẽ ngưng mở mới các cửa hàng, tập trung vào thương mại điện tử và mở hướng kinh doanh mới. FPT Retail có thể không mở rộng ngành nghề sang điện máy mà coi thế mạnh cốt lõi của mình là khả năng mở chuỗi và quản trị chuỗi bán lẻ. Những ngành FPT Retail đi tìm sẽ là những ngành tiềm năng như ăn uống, dược phẩm, thời trang, các cửa hàng tiện lợi…
Khi đối chiếu với những gì MWG đang thúc đẩy, triển khai như tập trung bán lẻ điện máy, hàng thực phẩm tươi sống, dược phẩm…, giới đầu tư có thể nhận ra, lựa chọn này của FPT Retail dù có nét tương tự với cách đi của MWG nhưng lại không mang tính đối đầu với MWG. Theo bà Điệp, “cuối cùng cốt lõi của các công ty bán lẻ là khả năng mở chuỗi, quản lý chuỗi chứ không còn là ngành gì, nghề gì”.
Trước mắt, trong năm 2017, FPT Retail đặt kế hoạch đẩy mạnh doanh thu trên mỗi cửa hàng, tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ tới những vùng miền mà sản phẩm điện thoại thông minh ít hiện diện. Với chiến lược này, chỉ 6 tháng đầu năm 2017, FPT Retail đạt 6.355 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỉ đồng, tăng 23%. Tốc độ tăng trưởng này ở FPT cùng kết quả ấn tượng ở MWG trong 6 tháng đầu năm 2017 (doanh thu tăng gần 60%, đạt hơn 31.000 tỉ đồng; lãi ròng tăng 28%, đạt 1.070 tỉ đồng) có thể sẽ còn đẩy tăng giá cổ phiếu và mang đến cơ hội sinh lời cho khoản đầu tư của Dragon Capital tại 2 công ty.
Viết Nguyên (nhipcaudautu)