TPP-11 không Mỹ là đã mất đến 60% GDP, nhưng giá trị thương mại vẫn đến 356,3 tỉ USD năm 2016. Vậy thì vì sao Canada lại tỏ ra không mấy thiết tha?
Nhật Bản và Úc là hai nước hô hào mạnh mẽ nhất cho một TPP không còn Mỹ, dù quy mô giảm đáng kể. (Mỹ chiếm hơn 60% GDP gộp của 12 nước TPP ban đầu). Nhật Bản thiết tha đạt được TPP để chế ngự sự áp đảo của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là khi quan hệ Trung – Mỹ có vẻ đang cải thiện với những chính quyền mới.
Canada lưỡng lự
Tuy một số nước hi vọng đạt thỏa thuận vào cuối tuần rồi, Canada, nền kinh tế lớn thứ nhì trong 11 nước còn lại, sau Nhật Bản, đã có những thông điệp nhất quán kiềm chế tâm lý lạc quan đó. Thủ tướng Justin Trudeau nói Canada sẽ không khuất phục trước “sức ép” từ các nước khác. Suốt chuyến công du châu Á tuần rồi, ông Trudeau luôn bắn tín hiệu Canada chưa sẵn sàng ký kết TPP vì còn nhiều quan ngại.
Hôm 8-11, ông nói: “Tôi xin nhắc mọi người rằng Canada sẽ không vội vã chấp nhận một hiệp định không có lợi cho Canada và người Canada”.
Canada có một số khúc mắc lớn về TPP, như các điều khoản về ngành sản xuất xe, quyền sở hữu trí tuệ, và các trường hợp miễn trừ cho ngành văn hóa. Cũng ngày 9-11, ông Trudeau nói Canada phải giữ quyền quản lý và hỗ trợ tài chính với các ngành văn hóa.
Lâu nay Canada luôn khẳng định điều đó – nhất là yêu cầu bảo vệ văn hóa của cộng đồng thiểu số nói tiếng Pháp – trước sự toàn cầu hóa và đồng hóa văn hóa. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau tránh né các câu hỏi sâu hơn về chính sách văn hóa tại một cuộc tọa đàm ở TP.HCM hôm 9-11, và nói ông không đang ở bàn đàm phán TPP.
“Liên minh” Canada – Mexico
Cuộc họp song phương đầu tiên của ông Trudeau bên lề APEC là với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto hôm 10-11, và điều này có lý của nó: Canada nhờ Mexico để tránh áp lực TPP từ Nhật Bản và Úc.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Chính phủ Canada, khi dự APEC, Canada đã dự kiến sẽ bị Nhật Bản và Úc thúc ép về TPP, trong khi Ottawa không muốn chấp nhận thỏa thuận ngay hôm 10-11 nếu không có một số hiệu chỉnh, và họ đã đi tìm đồng minh.
Thủ tướng Trudeau giãi bày tình thế của ông với Tổng thống Pena Nieto, và được bảo đảm rằng nếu Canada không chấp nhận TPP, thì Mexico cũng không, theo lời quan chức Canada giấu tên.
Mexico từng phát đi những tín hiệu ngần ngại chấp nhận một TPP mới trước đó. Hôm 9-11, Bộ trưởng kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nói các cuộc đàm phán “rất hiệu quả” nhưng cần thảo luận thêm.
Theo quan chức Canada giấu tên, “liên minh” Canada – Mexico hình thành vì hai lý do: (1) Mexico không hoàn toàn hài lòng với thỏa thuận hiện nay, và (2) Canada đã ủng hộ Mexico trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cam go với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngay sau khi họp với ông Pena Nieto, ông Trudeau có cuộc họp song phương thứ nhì trong ngày tại cùng phòng đó, với thủ tướng Nhật Bản. Cuộc gặp thứ hai kéo dài tới 50 phút, gấp đôi cuộc họp với Mexico, một dấu hiệu cho thấy còn giằng co phút chót giữa Ottawa và Tokyo.
Không phải ai cũng mềm mỏng và kín tiếng như người Nhật. Một đài truyền hình Úc bình luận “Canada đã chơi xỏ tất cả”. Tờ Sydney Morning Herald cũng toạc móng heo bằng dòng tít: “Justin Trudeau phá hoại TPP”.
Đáp lại, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói với báo giới tại Đà Nẵng hôm 10-11 rằng bất đồng là chuyện thường tình trong những cuộc đàm phán căng thẳng, và với 11 nước tham gia, đàm phán hết sức phức tạp và hẳn nhiên sẽ có những thông điệp mâu thuẫn được phát đi.
Thật ra, đây không phải là lần đầu chính quyền Trudeau “chơi rắn” trong các cuộc đàm phán thương mại tự do. Năm 2016, Ngoại trưởng Freeland từng bỏ ngang đàm phán Hiệp định thương mại tự do Canada – EU (CETA) cho tới khi Canada được như ý.
Lần này, bất chấp áp lực, Canada đã giữ lập trường và đòi được các nhượng bộ quan trọng về sở hữu trí tuệ, văn hóa và ngành sản xuất xe. Về mặt chiến lược, Canada tham gia đàm phán TPP trễ, khá lâu sau khi khuôn khổ căn bản đã được xác lập và nhiều chương đã kết thúc. TPP trở thành một ưu tiên thương mại chỉ sau khi chính phủ người tiền nhiệm của ông Trudeau, Stephen Harper, xác định các rủi ro nếu đứng ngoài một hiệp định có Mỹ.
Quyết định tham gia của Canada, do đó có tính phòng vệ, với một số nghiên cứu chỉ dự báo những lợi ích kinh tế nhỏ nhoi. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, mục tiêu chiến lược chủ yếu của Canada đã không còn, nhất là khi Canada hiện đã có hiệp định thương mại tự do với một số nước TPP như Mexico, Chile và Peru.
“Canada trên hết?”
Xưa nay, ông Trudeau đi tới đâu báo chí quốc tế hồ hởi tung hô tới đó, xem ông như hình mẫu lãnh đạo tích cực trong một thế giới đầy những chính khách dân tộc chủ nghĩa. Bản thân ông cũng rất giỏi tạo dựng hình ảnh. Những cảnh (có sắp đặt kỹ càng) ngồi cà phê vỉa hè Sài Gòn, mặc quần soóc và áo ba lỗ chạy bộ dọc kênh Nhiêu Lộc… càng khiến thiên hạ mê mẩn.
Cũng đáng nói, từ khi lên cầm quyền, ông Trudeau có cách tiếp cận “tứ hải giai huynh đệ”, can dự nhiều vào các nỗ lực quốc tế, khác với chủ trương thờ ơ đứng ngoài và chỉ tham gia cuộc chơi khi cần của chính phủ Đảng Bảo thủ thời Harper.
Bởi vậy, động thái bỏ họp TPP-11 tại Đà Nẵng khiến thiên hạ bất ngờ, và ông hứng chịu làn sóng chỉ trích quốc tế nặng nề nhất từ trước tới nay. Bỉnh bút Campbell Clark của tờ The Globe and Mail gọi đây là khoảnh khắc “Canada trên hết” đầu tiên của ông Trudeau.
Thủ tướng Trudeau gặp nhiều phản đối trong nước, và điều đó quả thực đã giảm nhiệt tình của ông đối với TPP trong những tuần gần đây. Canada cũng đang toát mồ hôi với những cuộc tái đàm phán NAFTA. Chính quyền Trump muốn tăng hàm lượng “sản xuất tại Bắc Mỹ” trong xe hơi được nhập miễn thuế vào Mỹ.
Ông Trudeau còn có nhiều lý do chính trị rõ ràng khiến ông bớt mặn mà với một TPP mới. Ủng hộ các hiệp định thương mại tự do hẳn nhiên sẽ chọc giận ngành sản xuất xe, nông dân ngành bơ sữa, và có thể cả vùng Quebec nói tiếng Pháp nữa. Mỗi người lại đau khổ một kiểu riêng, và ông Trudeau cũng có nhiều điều khó nói, khi mà New Zealand không phải sợ cạnh tranh với Nhật Bản về xe hơi; Úc thì chẳng bị Mỹ ép uổng gì trong một hiệp định thương mại tự do.
11 nước còn lại muốn ký TPP 11 như một biểu tượng chứng tỏ rằng “vắng mợ, chợ vẫn đông”, rằng tiến trình tự do hóa thương mại tiếp tục dù nước Mỹ của ông Trump đi ngược lại, nhưng có vẻ mất Mỹ không chỉ là một bài toán trừ thuần túy nữa, nhất là với trường hợp Canada.
Bàn TPP, nhưng lo nghĩ về NAFTA
Thách thức với Canada, và cả Mexico, trong đàm phán TPP là họ đang đồng thời tái đàm phán NAFTA với Mỹ. Nhiều vấn đề tương tự xuất hiện trong cả hai bàn đàm phán này, nhưng ưu tiên của Canada và Mexico thì đã rõ. Ottawa phải tư duy tổng thể: nếu họ vội vã chấp nhận TPP 11, vấn đề không chỉ là tác động trực tiếp, tay bài của họ sẽ suy yếu hẳn trong ván mặc cả NAFTA với chính quyền Trump, vốn đang ngày càng cứng rắn.
Mỹ sẽ có dịp đặt câu hỏi Canada khó trả lời: Tại sao họ lại chấp nhận những điều kiện dễ chịu hơn với TPP, trong khi Mỹ mới là đối tác thương mại lớn nhất của Canada?
Một chi tiết kỹ thuật phải nhắc là tuy Mỹ rút khỏi TPP, khá nhiều nội dung của TPP đã được dùng làm nguyên mẫu cho NAFTA mới. Với Canada, sự trùng lắp một số điểm giữa NAFTA và TPP là một vấn đề hết sức gai góc. Ví dụ, các điều khoản về ngành sản xuất xe trong NAFTA có thể thay đổi đáng kể các quy định lâu đời về quy tắc xuất xứ của một ngành hệ trọng trên khắp Bắc Mỹ.
Nếu giảm vị thế của Canada trong đàm phán NAFTA về ngành sản xuất xe để đạt được thỏa thuận TPP thì coi như đánh đổi lợi ích dài hạn để đạt lợi ích ngắn hạn. Do vậy, Canada đã cố gắng và thuyết phục được các nước TPP đàm phán thêm.
Michael Geist, giáo sư luật tại Đại học Ottawa chuyên về thương mại điện tử, nói rõ TPP có thể ảnh hưởng tới thành công của Canada trong đàm phán NAFTA. Ông viết trên Twitter: “Tôi đoán đàm phán NAFTA có thể khiến những nhượng bộ về xe và nông nghiệp hết sức khó khăn vì TPP có thể gây phương hại cho các đàm phán đó. TPP không phải hiệp định thương mại của (chính phủ) Đảng Tự do. CETA là ưu tiên hàng đầu, rồi tới NAFTA”.
Phạm Vũ Lửa Hạ (Theo Tuổi Trẻ)