Cùng với đó là sự mở rộng ngày càng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ và chú trọng đầu tư công nghệ.
Với quy mô GDP đạt khoảng 220 tỉ USD, dân số hơn 92 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang là thị trường lớn của ngành phân phối hàng hóa tiêu dùng. Theo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn Tư vấn Thị trường A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam nhiều năm liền nằm trong số 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới kể từ năm 2008, và mới đây nhất đã trở lại vị trí thứ sáu (năm 2017).
Sự “lên ngôi” của cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ
Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm, 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng, những mặt hàng chính bao gồm các nhóm sản phẩm như đồ uống, thực phẩm, sữa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình… đều đạt được mức tăng trưởng khá. Đề tài về bán lẻ cũng thường xuyên được cập nhật với nhiều buổi hội thảo, chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người, chẳng hạn như chủ đề lợi ích thu về từ sự tăng trưởng của bán lẻ.
Đặc biệt, theo báo cáo của A.T Kearney, cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ là phân khúc phát triển nhanh nhất tại nước ta. Tính đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 7-Eleven của Nhật lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Với Vinmart+, hệ thống này dự kiến sẽ nâng con số gần 1.000 cửa hàng năm 2016 lên khoảng 2.500 cửa hàng tính đến cuối năm 2017.
Mức tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ trong vài năm qua khá ấn tượng. Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel năm trước, có đến hơn 1/3 số hộ gia đình Việt từng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay siêu thị nhỏ, với tần suất trung bình là 10 lần/năm. Nielsen cho biết tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống; sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.
Mặc dù là phân khúc phát triển nhanh hiện nay, kênh mua sắm này vẫn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ nhiều bên: từ siêu thị lớn về trải nghiệm mua hàng, từ các siêu thị về sự đa dạng hàng hóa, và từ phía cửa hàng truyền thống về tính tiện lợi. Trên thực tế, bán lẻ hiện đại ở nước ta đã tăng trưởng chậm lại so với dự đoán trước đó, hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ (số liệu từ Bộ Công thương). Chi phí mặt bằng cao, giá thành đắt hơn, thói quen mua sắm và tiêu dùng truyền thống… là những lí do chính khiến người tiêu dùng bỏ qua cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ, đòi hỏi các nhà bán lẻ cần xây dựng một chiến lược đầu tư hợp lí để có thể phát triển phần thị trường này.
Công nghệ – mảng đầu tư mới của các nhà bán lẻ
Ngày nay, xu hướng cách mạng công nghệ đang lan rộng trên toàn thế giới, đặt ra vấn đề cho các công ty, tập đoàn phải đổi mới, cải tiến phương thức sản xuất – kinh doanh, tiếp cận khách hàng hoặc sẽ trở nên lạc hậu. Tài chính không còn là mảng đầu tư duy nhất cần được chú trọng mà còn cả công nghệ.
Một chuyên gia trong ngành cho biết: “Ngay cả những công ty nhỏ cũng đã bắt đầu tính đến việc phải mua sản phẩm công nghệ để quản lý có hiệu quả, từ đó mới có thể tăng trưởng ở quy mô lớn hơn. Những nhà bán lẻ làm về công nghệ như Thế giới Di động, FPT Shop… thì càng chú trọng đầu tư mảng này”.
Thế giới Di động – một trong 10 nhà bán lẻ uy tín năm 2017 – đã dành ra 13 năm để xây dựng hệ thống quản trị công nghệ, liên thông các bộ phận như website, app, CRM… vào trong tất cả các hoạt động quản lý bán hàng, quản lý kho, báo cáo tài chính, tính lương/thưởng, quản lý khách hàng hay cả tuyển dụng… Đó chính là “bí quyết” để vận hành một hệ thống bán lẻ với quy mô 1.500 siêu thị tại 63 tỉnh thành, hơn 31.000 nhân viên cùng 4 thương hiệu. Với bán lẻ, công nghệ sẽ thúc đẩy ngành hàng phát triển theo hướng nhanh hơn, tiện hơn, nâng cấp công cụ thanh toán hay phát triển những mô hình kinh doanh mới như kinh doanh trực tuyến, tiếp thị đa kênh… Trong khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC, 49% người trả lời có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại ít nhất là hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Thị Tòng – Trưởng Ban Thư kí, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, công nghệ tạo ra nhiều thuận lợi song cũng gây không ít khó khăn. Cụ thể, công nghệ phát triển đòi hỏi sự đồng bộ, trong khi các nhà bán lẻ, nhất là nhà bán lẻ nội địa, không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho việc đầu tư, đồng bộ hóa. Đôi khi chưa bắt nhịp kịp với công nghệ thì công nghệ đã lại thay đổi. “Bất cứ nhà bán lẻ nào, dù quy mô to hay nhỏ, khi thay đổi đều cần điều đầu tiên là nhận thức, tiếp đó phải có sự quyết tâm chuyển đổi thì sự đầu tư mới có thể mang lại hiệu quả mong muốn. Bởi lẽ đầu tư chưa hẳn ngày một ngày hai đã ra được kết quả.” – TS. Nguyễn Thị Tòng kết luận.
Theo Vietnamreport