Báo cáo mới công bố của nhà tư vấn Cushman & Wakefield cho biết thị trường bất động sản dành cho nhà ở, văn phòng cho thuê và các trung tâm thương mại bán lẻ được dự báo sẽ vô cùng sôi động trong thời gian tới, với giá cả và nguồn cung đều sẽ tăng trưởng khá mạnh.

 

Trung tâm thương mại Vincom.

 

Theo Cushman & Wakefield, thị trường bất động sản dành cho thương mại bán lẻ tại Việt Nam đang hoàn thiện và tăng trưởng mạnh. Ước tính sẽ có thêm 400 nghìn m2 diện tích mới vào năm 2018. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích sàn bán lẻ dự kiến đạt 4 triệu m2.

 

Cũng theo Cushman & Wakefield, ở khu vực trung tâm các đô thị, nhu cầu thuê nhà phố thương mại sẽ tiếp tục lên cao do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng. Điều này sẽ đưa giá thuê mặt bằng ở các khu vực này tiếp tục giữ xu hướng tăng nhiệt như những năm qua.

 

Tại những trung tâm kinh tế như TPHCM, giá thuê mặt bằng có thể cao gấp 2 lần các địa điểm khác. Trong 2 năm tới, các ngành dịch vụ ăn uống, thời trang và chăm sóc sức khoẻ sẽ là các ngành chủ chốt dẫn dắt sự phát triển của bất động sản khu vực bán lẻ.

 

Nhận định về thị trường Việt Nam, bà Mai Võ, Trưởng Dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng trong 10 năm tới, tầng lớp cư dân mới có thu nhập cao sẽ xuất hiện nhiều. Đến năm 2020, tầng lớp này có thể chiếm tới 10%. Lớp dân cư mới này sẽ đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của ngành bán lẻ hàng hoá cao cấp, trực tiếp tạo ra lực cầu lớn cho bất động sản nhà ở và trung tâm tâm thương mại.

 

Cùng quan điểm trên, trong một nhận định phát đi giữa tháng 11 này, ông Anshuman Magazine, Chủ tịch Hãng tư vấn bất động sản CBRE tại Đông Nam Á cũng tin rằng thuận lợi về nhân khẩu học của Việt Nam đang khiến thị trường bất động sản tại đây ngày càng sôi động. “Dân số lớn, trẻ và vẫn tiếp tục tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều. Đây là động lực cho sự phát triển của thị trường nhà ở, bất động sản khu vực bán lẻ và văn phòng”, ông Anshuman Magazine nhấn mạnh thêm.

 

Ngoài ra, cũng theo phân tích từ nhà tư vấn bất động sản của CBRE, kinh tế tăng trưởng nhanh từ 6% đến 7% mỗi năm cùng với một đồng nội tệ ổn định chính là nền tảng thuận lợi sâu xa nhất của các thị trường, trong đó có bất động sản, “bất động sản cũng có chu kỳ, và chu kỳ này đang đi lên ở Việt Nam”.

 

Dự báo thương mại điện tử sẽ chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới sau khi ngành công nghiệp tương đối mới này đạt được doanh thu ấn tượng gần 4 tỷ USD và được kỳ vọng đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

 

Sự tăng trưởng của thương mại điện tử sẽ như “hổ chắp thêm cánh” nhờ vào các yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học của Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng chính là yếu tố gây e ngại, cho rằng sự phát triển của bất động sản khu vực bán lẻ có thể bị “co lại” khi cả bên bán lẫn người tiêu dùng sẽ không có nhu cầu gặp nhau trực tiếp nữa.

 

Tương tự, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có thể thay đổi hoàn toàn cách thức sản xuất kinh doanh. Những văn phòng ảo, xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà cũng sẽ tác động đến nhu cầu văn phòng, kho bãi cho thuê.

 

Tuy nhiên, theo bà Mai Võ, Trưởng Dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield, đây không hẳn là yếu tố dẫn tới sự sự sụt giảm về nhu cầu mua sắm ở các trung tâm thương mại.

 

Ông Anshuman Magazine, Chủ tịch CBRE Đông Nam Á, cũng nhận định khi kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện thì nhu cầu kho bãi, và bất động sản công nghiệp vẫn sẽ tăng lên tương đối trong tương lai.

 

Thực tế ở các thị trường khác như Philipinnes hay Ấn Độ – những nơi nổi tiếng là các điểm đến gia công của thế giới – số công ty muốn mở thêm văn phòng để hỗ trợ cho mảng kinh doanh chính là không hề nhỏ. Và Việt Nam tin rằng cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Còn thương mại điện tử dù phát triển như là một xu hướng thời thượng thì vẫn cần những diện tích văn phòng nhất định cho các dịch vụ hỗ trợ.

 

“Khảo sát của chúng tôi cho thấy ngày càng có nhiều khách thuê văn phòng tại TPHCM đến từ khu vực thương mại điện tử”, vị chuyên gia từ CBRE tái khẳng định.

 

Theo NDH