Nên chú trọng mảng dịch vụ quản trị và khai thác dữ liệu
Theo nghiên cứu của Vụ CNTT (Bộ TT&TT), trên thị trường dịch vụ CNTT quốc tế, một số nhóm dịch vụ gia công, bảo trì, tư vấn và lên chương trình… có xu hướng thu hẹp dần, thay vào đó là sự khởi sắc của nhóm dịch vụ tích hợp và triển khai hệ thống đang phát triển nhanh, đứng đầu là dịch vụ dữ liệu. Nguyên nhân do nhu cầu thông tin Internet đã giúp cho khối lượng dữ liệu tăng lên gấp đôi sau mỗi năm, sự tăng trưởng mạnh mẽ này tạo nên một lượng dữ liệu khổng lồ vượt quá khả năng kiểm soát của chính các doanh nghiệp, tổ chức tạo ra chúng.
Viettel giới thiệu các giải pháp ứng dụng CNTT và viễn thông dành cho các doanh nghiệp và ngành giáo dục do Viettel cung cấp. Ảnh: M.Q
Do đó, nhu cầu quản trị và khai thác dữ liệu phát triển nhanh chóng, từ các dịch vụ đơn giản như: Chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống cũ sang hệ thống mới (migration) đến tích hợp dữ liệu và khai thác dữ liệu thông minh (business intelligence) tạo ra thị trường trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong một thời gian dài nữa. Dịch vụ quản trị và khai thác dữ liệu (data services) trở thành nhu cầu bức xúc nhất của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trên khắp thế giới. Vì thế, đây là một trong các “ngách” của thị trường dịch vụ CNTT quốc tế mà Việt Nam có thể tìm kiếm và đón đầu cơ hội khi chưa có nhiều quốc gia chiếm lĩnh thị trường này.
Các nước như Philippines, Thái Lan, Indonesia, và Sri Lanka là những quốc gia sớm nhận thấy thị trường “ngách” này và chú trọng vào chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cung ứng dịch vụ CNTT cho thị trường quốc tế. Hiện tại, Philippines có đến 350.000 người làm việc trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ CNTT (Ấn Độ hiện có 300.000 người làm trong lĩnh vực gia công phần mềm).
Thị trường trong nước có tiềm năng đạt tỷ USD
Những dịch vụ CNTT như gia công phần mềm CNTT (ITO), gia công quy trình kinh doanh (BPO), cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu, dịch vụ lưu trữ, điện toán đám mây, ứng dụng di động, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử đang gia tăng trong thị trường nội địa, cũng như thu hút những hợp đồng gia công phần mềm với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, dịch vụ tư vấn giải pháp CNTT và tích hợp hệ thống đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm gần đây, với quy mô doanh thu trong lĩnh vực này tăng lên hàng năm, trung bình là 35%/năm.
Hiện nay, nhu cầu cung cấp các dịch vụ CNTT và dựa trên CNTT cho tất cả các đối tượng có nhu cầu ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú và đủ mọi cấp độ. Tiến bộ công nghệ (như cloud computing – điện toán đám mây) hướng người sử dụng CNTT đến sử dụng các dịch vụ được cung cấp một cách chuyên nghiệp hơn là tự sở hữu và khai thác các phương tiện CNTT. Do đó, người dùng sẽ đặt cung cấp các dịch vụ mình cần và khai thác qua mạng tất cả những gì có hiệu quả hơn là tự làm lấy.
Như thế, chỉ tính riêng lực lượng 400.000 doanh nghiệp hiện hữu có nhu cầu được cung cấp các dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đã tạo ra một thị trường có quy mô rất lớn, có thể đạt đến con số tỷ USD/năm. Các dịch vụ được người dùng nhắm đến nhiều nhất là: thuê hạ tầng, cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn, phát triển website, portal, thương mại điện tử, cung cấp giải pháp ứng dụng, tổ chức quản trị và khai thác dữ liệu…
Theo con số thống kê về các loại hình dịch vụ CNTT được cung cấp trên thị trường hiện nay thì thị trường cung cấp dịch vụ CNTT đang trên đà phát triển. Các dịch vụ CNTT như: tư vấn, đào tạo, giải pháp an toàn an ninh mạng, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông… sẽ đột phá trong thời gian tới. Nền kinh tế càng phát triển thì càng đòi hỏi lớn về chất lượng của các dịch vụ này càng tăng, các doanh nghiệp lớn cũng đang tập trung vào việc đào tạo đội ngũ nhân lực, phấn đấu đạt các chứng chỉ quốc tế về cung cấp dịch vụ ngày càng gia tăng. Do đó, đòi hỏi nhà nước cần có chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp dịch vụ này, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng giúp các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hải Đăng / ICTnews