Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ Việt Nam chiếm tới 14% GDP cả nước. Bán lẻ cũng thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.

 

Các nhà bán lẻ từ Thái Lan đã chứng tỏ họ là những người nhiệt tình nhất trong việc mua lại các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam

 

Chiều 12.12, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam 2017, với chủ đề “10 năm phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam và thách thức của tương lai”

 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết, năm 2017, Việt Nam thuộc top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan… đầu tư vào Việt Nam khiến thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt. Đây cũng là thời cơ các nhà bán lẻ phải thay đổi, tăng sức cạnh tranh và đưa ra chiến lược đầu tư đúng đắn.

 

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng, có nhiều lo ngại khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, có thể làm sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại của Việt Nam do sự xuất hiện và thâu tóm của các “ông lớn” bán lẻ từ nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không phụ thuộc mà từng bước thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cho đến nay sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều khởi sắc, là một trong những thị trường tiềm năng hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước. Làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) bùng nổ trong vài năm trở lại đây. Điển hình như vụ mua bán – sáp nhập Metro gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro và Big C Việt nam với 32 siêu thị trị giá 1,14 tỷ USD…

 

Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ Việt Nam chiếm tới 14% GDP cả nước. Bán lẻ cũng thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2010 đạt 88 tỷ USD, đến năm 2016 đạt 158 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của nhiều hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. Mặc dù có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, song thời đại công nghệ 4.0, cùng với thay đổi trong xu hướng tiêu dùng… đặt ra nhiều thách thức cho các nhà bán lẻ Việt Nam.

 

Gần 60% dân số Việt Nam là dưới 35 tuổi trở lên và ngày càng có trình độ học vấn cao hơn. Theo số liệu chính thức, thu nhập bình quân của nước ta vào năm 2016 đã tăng lên 2.200 USD từ mức 433 USD trong năm 2000.

 

Ngân hàng Thế giới đã dự báo GDP của Việt Nam có thể tăng lên vào năm 2035, với hơn một nửa dân số dự kiến sẽ gia nhập hàng ngũ tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu thụ từ 15 USD trở lên trong 1 ngày.

 

Chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tăng 47% trong 4 năm tới lên 184,9 tỷ USD, theo EuroMonitor International.

 

Các nhà bán lẻ từ Thái Lan cho đến nay đã chứng tỏ họ là những người nhiệt tình nhất trong việc mua lại các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam nhằm đón đầu xu thế trên. Ngoài thương vụ Metro và Big C, họ đã tham gia vào những thương vụ mua lại đình đám khác như mua 40% cổ phần của chuỗi siêu điện máy Nguyễn Kim (khoảng 200 triệu USD), mua gần 20% cổ phần Vinamilk… Và hiện tại Thai Bev nhiều khả năng sẽ chi hàng tỷ USD để mua cổ phần của công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco.

 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: “Chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm tính cạnh tranh. Mà muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường.

 

Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đưa hàng Việt ra ASEAN và khắp thế giới. Ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam cũng cần phải tăng tốc thì mới đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 chiếm 40% thị trường, hiện nay có lẽ vẫn chưa đạt đến 30%”.

 

Theo VOV