Phỏng vấn bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam…
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước dành sự ưu tiên lớn và tích cực cổ động cho hình ảnh hàng Việt.
Thị trường bán lẻ năm 2017 đã tăng trưởng mạnh mẽ trên các phân khúc và các loại hình. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), cho rằng, các nhà bán lẻ nội đã nỗ lực và không hề thua kém trong cuộc đua thị phần hiện nay.
Thưa bà, thị trường bán lẻ một năm qua đã chứng kiến nhiều bước tiến đáng nể của các thương hiệu trong và ngoài nước. Bà nhìn nhận gì về bức tranh chung của thị trường trong một năm qua?
Năm 2017 thị trường đã có bước phát triển rất tốt. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm trước.
Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ và nối tiếp đà tăng trưởng tốt của 2-3 năm gần đây. Điều này cũng cho thấy vai trò và vị trí của ngành dịch vụ bán lẻ trong nền kinh tế và đời sống của nhân dân bước đầu được khẳng định”, bà Loan chia sẻ.
Thưa bà, năm qua thị trường cũng chứng kiến sự năng động, nỗ lực vươn mình của các nhà bán lẻ trong nước. Bà bình luận gì về điều này?
Từ phía các doanh nghiệp, có nhiều điểm mới và thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Một mặt các nhà bán lẻ phát triển mở rộng mạng lưới, cửa hàng thật – trong đó hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú.
Các nhà bán lẻ đã ý thức nhiều hơn về hoạt động của mình trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Bên cạnh đó, khi hàng hóa các nước được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam theo sự thuận lợi hóa thương mại giữa Việt Nam và các nước, các nhà bán lẻ càng thuận lợi hơn trong việc đa dạng hóa nguồn hàng.
Đối với hàng Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng dành sự ưu tiên lớn và tích cực cổ động cho hình ảnh hàng Việt.
Để bắt kịp với xu thế tiêu dùng của thời đại công nghệ, các nhà bán lẻ cũng chú ý nhiều hơn đến việc tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới bởi họ ý thức được rằng, nếu không thay đổi và đổi mới sáng tạo thì có thể bị loại khỏi cuộc chơi.
Tuy nhiên, các bước phát triển của thị trường dường như chưa đạt như kỳ vọng của người tiêu dùng và cần có sự thay đổi thực chất và mạnh mẽ hơn.
Bán lẻ đa kênh là một xu thế mới hiện nay và thu hút được sự chú ý của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Bà nhận xét gì về xu hướng này tại Việt Nam?
Các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều chú ý đến xu thế này. Tuy nhiên, có doanh nghiệp làm tốt công tác truyền thông nên được biết đến rộng rãi hơn các doanh nghiệp khác. Trong đó, bán lẻ trực tuyến được coi là xu thế không thể bỏ qua.
Theo đó, các đại gia trong nước như Vingroup, Coopmart đều rất chú trọng kênh này. Bên cạnh đó, một số nhà bán lẻ khác như FPT hay Thế giới di động đã mở rộng lĩnh vực và ngành hàng.
Những diễn biến này là rất bình thường trên mọi thị trường bởi lẽ mỗi doanh nghiệp sẽ đánh giá được điểm mạnh – yếu của mình để có chọn lựa phù hợp trong chiến lược phát triển. Thời gian sẽ trả lời lựa chọn nào là đúng và hợp lý.
Một điểm đáng chú ý khác trên thị trường trong năm qua là sự hiện diện ngày càng rộng khắp và ấn tượng của các cửa hàng tiện lợi nước ngoài. Theo bà, các nhà bán lẻ trong nước có đủ lực cạnh tranh trên phân khúc này hay không?
Cách đây chục năm, các cửa hàng tiện lợi nước ngoài đã từng vào Việt Nam nhưng chưa thành công. Gần đây họ quay trở lại và phát huy sức mạnh. Những nhà bán lẻ nước ngoài có một số lợi thế.
Cụ thể, họ có nguồn vốn dồi dào hoặc nguồn vốn vay với lãi suất tốt hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân các thương hiệu ngoại với bề dày thành tích trên thị trường thế giới nên cũng dễ thu hút người tiêu dùng Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài luôn ý thức thay đổi và bắt kịp tiến bộ của công nghệ và địa phương hóa thương hiệu của mình. Do đó, sức ảnh hưởng của các nhà bán lẻ này trên thị trường là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là hệ thống cửa hàng tiện lợi của các nhà bán lẻ trong nước cũng có những tiến bộ đáng kể, điển hình là hệ thống Vinmart hay Satrafood, Coopfood.
Bà dự báo gì về xu hướng thị trường trong năm 2018?
Năm 2018, bán lẻ tiếp tục là thị trường rất được quan tâm với đà phát triển mạnh mẽ song thử thách với các nhà bán lẻ sẽ rất lớn vì sức cạnh tranh ngày càng cao và tốc độ tiên tiến của công nghệ đòi hỏi tính thích nghi của mọi người chơi.
http://vneconomy.vn