Sự việc Trung tâm thương mại Parkson Flemington (Q.11, TP.HCM) vừa đóng cửa thêm một lần nữa “cảnh báo” mô hình trung tâm thương mại gặp khó nếu không chịu chuyển mình phù hợp với xu hướng.

 

Kinh doanh tại Trung tâm thương mại không còn dễ dàng nếu không thay đổi kịp cùng xu hướng, nhu cầu của khách hàng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

“Bước vào Parkson nhân viên nhìn từ đầu tới chân, thấy ai sang sang thì lại chào hỏi, ai quê mùa thì nhìn như ăn trộm hoặc cứ đờ ra”, đây là một trong số những ý kiến bạn đọc gửi về báo Tuổi Trẻ sau khi biết tin Parkson Flemington đóng cửa. Ý kiến này được rất nhiều người đồng thuận và nó phản ánh phần nào thái độ của nhân viên với khách hàng mua sắm tại đây.

 

Không riêng gì tại trung tâm thương mại này, nhiều người cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi đi mua sắm mà không nhận được sự tôn trọng đúng mực.

 

Khoảng hai tuần trước, chị Hoài Nhân (Q.3, TP.HCM) đến mua sắm tại trung tâm thương mại Takashimaya (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM) đến quầy hàng mỹ phẩm của nhãn hàng K. ở tầng trệt, chị muốn tìm loại kem dưỡng để sử dụng, loay hoay một hồi không đọc được thông tin sản phẩm chị đã nhờ nhân viên trợ giúp.

 

“Vì toàn bộ thông tin về thành phần sản phẩm đã bị nhãn phụ tiếng Việt dán đè lên nên mình đã hỏi nhân viên làm sao để đọc được”, chị Nhân kể. Thay vì giúp đỡ chị, nhân viên đã nói với chị với thái độ không mấy vui: “Thì chị bóc ra là đọc được”.

 

Trong lúc chờ đợi thử sản phẩm, chị tiếp tục thấy nhân viên nói chuyện riêng và hướng về phía chị với ánh mắt khó chịu. “Ngay lập tức mình đã rời khỏi quầy và quyết định không bao giờ mua hàng tại quầy hàng này nữa”, chị Nhân nói. Theo chị Nhân, dù với lý do gì, nhân viên nói chuyện riêng và khó chịu với khách mua là điều không nên, gây cảm giác không thoải mái đối với người mua.

 

Khảo sát của nhiều nhà bán lẻ cho thấy, thái độ của nhân viên bán hàng giữ vai trò quan trọng trong việc giành được thiện cảm của khách mua, thái độ khiến người tiêu dùng đưa ra quyết định có muốn quay trở lại hay không.

 

Bên cạnh đó, việc không bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng cũng khiến các trung tâm thương mại rơi vào tình cảnh ế ẩm. Dễ dàng nhận ra, nhiều mô hình trung tâm thương mại gần đây đều tích hợp rất nhiều loại hình từ mua sắm, ăn uống, giải trí và đặc biệt là tạo ra không gian sinh hoạt ấn tượng.

 

Suốt hai năm, trung tâm thương mại Aeon Mall (Q. Tân Phú, TP.HCM) luôn đón lượng khách hàng “khủng” mỗi dịp cuối tuần là nhờ vào các hoạt động thu hút như ẩm thực, giải trí độc đáo; bên cạnh đó hàng loạt không gian đẹp lung linh, sinh động được dựng lên khiến lượng khách đổ về đây không ngớt.

 

Mới đây, Vạn Hạnh Mall (Q.10, TP.HCM) với mô hình tạo ra chuỗi hoạt động hấp dẫn tại khu vực sinh hoạt chung đã khiến lượng khách ổn định. Các mô hình sinh hoạt hướng đến sự tươi mới, tập trung nhắm vào giới trẻ là hướng đi đem lại thành công trong việc thu hút khách.

 

“Hàng chục trung tâm thương mại, hàng trăm siêu thị đa năng như hiện nay thì việc giành giật từng khách là điều mà các đơn vị phải tính toán chứ không còn dễ dàng kinh doanh như trước nữa”, đại diện một hệ thống bán lẻ phân tích. Các hệ thống mua sắm đều phải khéo léo câu kéo được khách tới từ đó gia tăng khả năng mua sắm, tăng doanh thu cho nhãn hàng.

 

Trước bối cảnh hàng loạt mô hình mới về mua sắm, giải trí xuất hiện mang theo sự hiện đại, thậm chí đi trước xu hướng, đáp ứng được trọn vẹn nhu cầu người tiêu dùng thì các mô hình mua sắm cứng nhắc, dậm chân tại chỗ rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng” là điều dễ hiểu.

 

 (Theo Tuổi Trẻ)