Không phải doanh nghiệp có “siêu” lợi nhuận nhưng với doanh thu nghìn tỷ, thị trường xuất khẩu rộng lớn trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, hệ thống phân phối bán lẻ khắp cả nước, Hapro sẽ “đích” đến cho các nhà đầu tư muốn rót vốn vào những công ty có tăng trưởng ổn định, bền vững…
Bán sạch vốn Nhà nước tại Hapro
Thị trường năm 2018 được đánh giá sẽ rất sôi động với một loạt thương vụ IPO và thoái vốn diễn ra. Trong đó, việc thoái vốn “ông lớn” ngành thương mại Hapro được giới đầu tư khá quan tâm và đặt kỳ vọng.
Theo kế hoạch, Hapro sẽ tiến hành IPO vào cuối tháng 3/2018. Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ, trong đó có 65% tương đương 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Còn lại gần 76 triệu cổ phần đấu giá công khai (34,51% vốn điều lệ) và chỉ trên một triệu cổ phần (0,49% vốn) được bán ưu đãi cho người lao động. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng là 12.800 đồng/cổ phần.
Theo kế hoạch, Hapro sẽ tiến hành IPO vào cuối tháng 3/2018.
Theo tìm hiểu, Hapro là tổng công ty đầu tiên của Thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa. Trong lần cổ phần hóa này, nhà nước sẽ thoái toàn bộ tại Hapro. Từ một số bài học từ nhiều doanh nghiệp nhà nước trước đây, việc bán vốn “trọn lô” được các nhà đầu tư quan tâm hơn so với việc thoái một cách “dè dặt”.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, việc thoái sạch vốn nhà nước hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược bởi tâm lý muốn nắm quyền chi phối, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Đồng thời việc rút hết sạch vốn để không còn “bóng dáng” của một doanh nghiệp nhà nước sẽ khiến nhà đầu tư tự tin đầu tư hơn.
Thực tế, ngay sau có phương án cổ phần hoá, Hapro đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn quan tâm, đầu tư muốn “rót” vốn. Vậy điều gì làm nên sức “hấp dẫn” của Hapro trong thương vụ cổ phần hóa lớn này?
Doanh thu nghìn tỷ, xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ
Hapro được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu và phát triển hạ tầng thương mại.
“Ông lớn” này có tới 10 công ty con, 20 công ty thành viên liên kết và đầu tư góp vốn tại 11 công ty khác. Không ít thương hiệu lớn rất thân thuộc và đặc trưng của đất Thủ đô như Kem Thủy Tạ, Gốm Chu Đậu hay Vang Thăng Long… Đây đều là công ty con – công ty liên kết của Hapro.
Thành lập từ năm 2004, sau hơn 10 năm phát triển, Hapro đã có những bước tiền vững chắc trong hoạt động thương mại và trở thành một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và một số mặt hàng nông sản thực phẩm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của công ty mẹ – Tổng công ty ước đạt 89,33 triệu USD, trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 87,38 triệu USD, chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Đáng lưu ý, một số mặt hàng chủ lực của Hapro đã có sự tăng trưởng tương đối tốt như hạt điều và gạo với kim ngạch xuất khẩu gạo tăng hơn 60% so với 2016. Hiếm một doanh nghiệp nào có thị trường xuất khẩu rộng lớn lên tới 70 quốc gia, vùng lãnh thổ như Hapro.
Không chỉ là doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, Hapro còn là một thương hiệu mạnh trên thị trường nội địa với mạng lưới bán lẻ rộng khắp Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Hệ thống phân phối của doanh nghiệp nằm ở những vị trí đắc địa tại trung tâm Hà Nội như Tràng Thi, Lê Thái Tổ, Cát Linh, Hàng Trống, Hàng Đậu, Thuốc Bắc… Ngoài ra, Hapro cũng được biết đến trong nước với chuỗi siêu thị thực phẩm Hapro Food, cửa hàng tiện ích Hapromart…
Hàng loạt sản phẩm của Hapro sản xuất cũng như phân phối đều khá thân quen với mỗi người dân khi bước chân vào các siêu thị, cửa hàng kinh doanh tiện lợi.
Năm 2017, doanh thu nội địa của “ông lớn” này ước đạt 938 tỷ đồng, chiếm 32% tổng doanh thu, bằng 90% so với thực hiện năm 2016.
Lãnh đạo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế, trước những đối thủ “nặng ký”, Hapro đã đưa ra nhiều chiến lược để chinh phục thị hiếu của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung và vươn ra thị trường nước ngoài.
Cùng với sự “xâm chiếm” của các nhà bán lẻ nước ngoài, một loạt các thương hiệu bán lẻ trong nước rơi vào cảnh “bi đát” thì sự vững vàng của Hapro trước “sóng gió” là một điều đáng ghi nhận.
“Ấp ủ” nhiều kế hoạch lớn sau cổ phần hoá
Sang năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Hapro nhận định việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ nói chung sẽ có nhiều sự thay đổi mang tính “căn bản” và “tích cực”.
“Một doanh nghiệp nhà nước cũng có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên thời gian chúng ta cũng đã thấy, mô hình doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ những khuyết điểm. Trong đó, có tính trì trệ trong hoạt động, sự phân định quyền lợi và trách nhiệm của người lao động cũng nhiều khi chưa rõ.
Động lực trong sản xuất kinh doanh gắn vợi hiệu quả thu được đối với người lao động cũng còn hạn chế. Ngoài ra, quản trị nhà nước cũng khiến lãnh đạo, người lao động thiếu chủ động hoàn toàn. Cho nên tính cạnh tranh của DNNN nhiều khi không cao, nhiều khi đưa ra quyết định chậm.
Nhà nước cũng đã xác định được điều này nên thời gian qua đã ráo riết đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá. Về phía Hapro, chúng tôi tin rằng khi chuyển sang công ty phần, song song với đó là quá trình tái cơ cấu lại bộ máy, nguồn nhân lực sẽ khiến Hapro mạnh hơn và hiệu quả hơn”, ông Sơn chia sẻ.
Theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro sẽ tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở những thế mạnh hiện tại với 66 mã ngành kinh doanh như hiện nay. Cùng với đó tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa.
Một trong các mục tiêu tổng quát đến năm 2020 được Hapro đưa ra đó là đưa tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty. “Tham vọng” lớn của Hapro đó là đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực.
Bên cạnh đó, Hapro cũng tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của hệ thống thương mại nội địa theo phương châm: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sự khác biệt, ưu tiên tối đa cho hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Hapro và Việt Nam vào hệ thống kinh doanh.
Trước cuộc cạnh trạnh khốc liệt từ hệ thống bán lẻ nước ngoại, trọng tâm Hapro đưa ra đó là phát triển hệ thống kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành để phát triển trở thành doanh nghiệp thương mại lớn của Hà Nội.
Nói với chúng tôi, Lãnh đạo Hapro – Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn tỏ ra khá tự tin khi cho rằng những giá trị cốt lõi của Hapro sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong đợt cổ phần hóa này. Ông cũng cho biết cùng với sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, nguồn vốn từ các cổ đông sẽ mang lại cơ hội phát triển lớn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Không phải doanh nghiệp có “siêu” lợi nhuận nhưng với doanh thu nghìn tỷ, thị trường rộng lớn, sở hữu thế mạnh hệ thống phân phối lớn, Hapro sẽ “đích” đến cho các nhà đầu tư muốn rót vốn vào những công ty có tăng trưởng ổn định.
dantri