Xuất xứ đóng một vai trò quan trọng trong cảm nhận của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Đối với không ít người tiêu dùng Việt Nam, hàng hoá dán nhãn “made in Japan” rất được ưa chuộng. Sắp tới đây, với lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu khi tham gia CPTPP, người Việt sẽ có cơ hội dùng hàng Nhật với giá cạnh tranh hơn.

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% dòng thuế của Nhật Bản và các nước trong CPTPP ngay khi Hiệp định có hiệu lực, và 86,5% dòng thuế sau 3 năm.
Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% dòng thuế của Nhật Bản và các nước trong CPTPP ngay khi Hiệp định có hiệu lực, và 86,5% dòng thuế sau 3 năm.

Sau một thời gian nỗ lực đàm phán, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên ký tại Chile mới đây.

Trao đổi với Dân trí, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, với phần lớn các nước khi tham gia hiệp định CPTPP, kỳ vọng lớn nhất đó là cơ hội mở cửa thị trường.

Riêng đối với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn thông thường là khoảng 7 năm, còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển.

Đối với Nhật Bản, đại diện Vụ chính sách thương mại đa cho biên cho biết, nước này cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản (khoảng 10,5 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ khoảng 95,6% số dòng thuế vào năm thứ 11.

So với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản, nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình. Đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ….

Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong CPTPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% dòng thuế của Nhật Bản và các nước trong CPTPP ngay khi Hiệp định có hiệu lực, và 86,5% dòng thuế sau 3 năm. Ví dụ như sữa và sản phẩm sữa sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Một số mặt hàng khác lại có lộ trình từ 5 đến 10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, lộ trình trên 10 năm ví dụ như thuốc lá điếu, hay ô tô con dưới 3000 cc, thịt gà, sắt thép có lộ trình 10 năm hoặc hơn, thịt lợn từ 7-9 năm…

Như vậy với việc hầu hết dòng thuế từ Nhật Bản và các nước còn lại trong CPTPP (Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore ) vào Việt Nam sẽ trở về 0% đem lại nhiều hứa hẹn cho người tiêu dùng Việt Nam mức giá cạnh tranh…

Việt Nam đang nhập những gì từ Nhật Bản?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2018 Việt Nam nhập khẩu 2,7 tỷ USD hàng hoá từ Nhật Bản.

Trong đó, sản phẩm chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (617,5 triệu USD); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác là 655,2 triệu USD; sắt thép các loại (221 triệu USD); linh kiện phụ tùng ô tô (118 triệu USD); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (39 triệu USD).

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập nhiều các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như dược phẩm (11,5 triệu USD); vải các loại (92 triệu USD); giấy các loại (33 triệu USD); hàng thuỷ sản (16 triệu USD), sữa và sản phẩm từ sữa (2,4 triệu USD); hàng điện gia dụng và linh kiện( 2,2 triệu USD); mỹ phẩm (5,7 triệu USD)…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản gần 2,7 tỷ USD. Trong đó chiếm phần lớn là hàng thuỷ sản (160 triệu USD); hàng dệt may (537 triệu USD); giày dép các loại (160 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (118 triệu USD); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (259 triệu USD); điên thoại và linh kiện (94 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (365 triệu USD); cà phê (37 triệu USD), rau quả (17,4 triệu USD), hạt điều (5,2 triệu USD), bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (6,2 triệu USD)…

Trước đó, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản 16,6 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam xuất sang nước này là 16,84 tỷ USD.

Riêng đối với mặt hàng ô tô, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017, Việt Nam nhập 3.284 ô tô nguyên chiếc từ Nhật Bản. Theo thống kê mới nhất của cơ quan hải quan, trong tuần (ghi nhận từ ngày 2/3/2018 đến ngày 8/3/2018) trên phạm vi cả nước có tất cả 2.020 chiếc xe ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu, với trị giá nhập khẩu đạt 44,42 triệu USD, trong đó chủ yếu nhập khẩu loại xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan. Một số ít có xuất xứ từ Nhật Bản và một số nước khác.

dantri