Ở thời điểm hiện tại, nhân sự ngành bán lẻ, từ nhân viên bán hàng cho đến quản lý cấp trung, cấp cao… vẫn tiếp tục được săn đón khi các thương hiệu bán lẻ mới liên tục gia nhập thị trường và các nhà bán lẻ hiện hữu thì đua nhau mở điểm bán mới, phát triển chuỗi. Vấn đề là, nếu không có một chiến lược cụ thể cho ngành thì câu chuyện khát nhân sự vốn đã được nói mười năm nay sẽ tiếp tục nói trong mười năm tới. Hậu quả là các nhà bán lẻ mệt mỏi, vất vả vì câu chuyện nhân sự trong khi sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp dài dài.
Nhân viên làm việc trong siêu thị hàng tiêu dùng nhanh, nơi công việc khá vất vả, chịu nhiều áp lực. Các nhà bán lẻ này cũng gặp không ít khó khăn với chuyện tuyển dụng, giữ người. Ảnh: Minh Tâm
Tuyển dụng khắp nơi
Đi mua sắm ở cửa hàng thực phẩm tiện lợi gần nhà, chị Xuân (42 tuổi, ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM) đọc được thông báo tuyển dụng nhân viên bán hàng. Dù đang làm nhân viên của công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh cho chung cư, nơi có căn hộ của người em mà chị và con gái đang ở nhờ, chị vẫn quyết định làm hồ sơ xin việc. Hồ sơ nộp hôm trước thì hôm sau chị Xuân được gọi đi làm. Chị không có bằng cấp gì nhưng đã có kinh nghiệm buôn bán ở quê hơn 20 năm. “Công việc vừa lạ vừa quen. Quen vì mình đã quen chào khách, trưng bày hàng hóa, nhưng bây giờ có thêm người cùng làm, chia ca kíp, rồi nhiều quy định giờ giấc, năng suất khác”, chị chia sẻ về công việc.
Cách nơi chị Xuân vừa vào làm việc không xa là cửa hàng của chuỗi Bách hóa Xanh mới khai trương trước Tết Âm lịch. Ở đây vào lúc cao điểm, người mua sắm đông đúc, không khí khá chộn rộn. Nhân viên làm việc tất bật, vừa làm vừa trả lời những thắc mắc của khách hàng… Giải thích với khách hàng đang phải chờ khá lâu để tính tiền, cô quản lý cửa hàng trần tình rằng do thiếu nhân viên, không đủ người để lo chu đáo tất cả, mong thông cảm. Trên trang web của mình, Bách hóa Xanh thông báo tuyển dụng hàng loạt vị trí, từ thu ngân, bán hàng, đến nhân viên kho, trưởng ca… để làm việc tại 367 cửa hàng ở khu vực TPHCM. Thậm chí, Bách hóa Xanh còn có hẳn một clip mang tên “Anh Ba Bách hóa Xanh” về chuyện tuyển dụng, gọi là vè tuyển dụng.
Câu chuyện ở cửa hàng Bách Hóa Xanh hay chuyện xin việc dễ dàng của chị Xuân chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong bức tranh nhân sự ở thị trường bán lẻ hiện tại. Các doanh nghiệp, từ nhà bán lẻ chuyên nghiệp như các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, cửa hàng 24/7 (CVS) đến các doanh nghiệp sản xuất có các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, đều đang rất khát nhân sự. Doanh nghiệp cần từ nhân viên bán hàng, thu ngân cho đến trưởng quầy, trưởng ca, giám đốc cửa hàng hay quản lý chuỗi bán lẻ. Thậm chí, một số vị trí quản lý cấp cao như giám đốc trung tâm thương mại, giám đốc các bộ phận chuyên môn, trưởng ngành hàng… còn được coi là “quý hiếm”.
Câu chuyện ngành bán lẻ khát nhân sự, theo các công ty làm dịch vụ “săn đầu người”, là thực tế tồn tại nhiều năm qua và ngày càng có xu hướng thành bệnh trầm kha. Nguyên nhân là các chuỗi bán lẻ liên tục mở rộng, phát triển điểm bán mới, thị trường có thêm nhiều doanh nghiệp mới gia nhập, các công ty thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ…, đã đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng lên cũng như tạo ra cuộc cạnh tranh thu hút người tài bằng lương thưởng, phúc lợi. Đó là chưa kể, ngành bán lẻ còn phải giành và giữ người với các ngành khác vốn cũng có nhiều cơ hội thăng tiến, lương bổng, như bất động sản, ngân hàng, du lịch…
Trong khi đó, nguồn nhân sự đáp ứng điều kiện trên thị trường lại thiếu hụt. Thiếu vì nhiều người lao động không ưa thích việc bán hàng, coi đây chỉ là công việc tạm thời trong lúc chưa tìm được việc đúng theo ngành đã học, chưa chấp nhận một số yêu cầu của ngành dịch vụ như đi làm vào thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết; chưa có kinh nghiệm chịu đựng áp lực khi phải phục vụ số lượng lớn khách hàng vào giờ cao điểm với vô vàn những tính cách khác nhau. Thiếu vì người ứng tuyển chưa đúng với nhu cầu, bởi không có trường lớp đào tạo bài bản, chính quy mà chỉ là bản thân người lao động tự học, tự trang bị các kỹ năng mềm…
Thực tế này đã khiến các doanh nghiệp cần lao động phải làm đủ mọi cách. Dễ thấy nhất là chấp nhận tuyển người chưa có chuyên môn và tự tổ chức đào tạo để có người làm trước mắt. Cao hơn thì thu hút người từ đối thủ cùng ngành bằng chế độ lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp còn phải “hạ tiêu chuẩn” để có được nhân sự, chấp nhận tốn thêm nhiều chi phí cho công tác tự tổ chức đào tạo nội bộ.
Xây dựng tiêu chí, đào tạo bài bản
Chia sẻ với TBKTSG, nguyên giám đốc mô hình cao cấp của một nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam cho rằng việc khát nhân sự của ngành như hiện nay có nguyên nhân từ nhiều phía. Thứ nhất, từ bản thân doanh nghiệp bán lẻ, nhiều đơn vị vẫn trong quá trình xâm nhập thị trường, vật lộn với việc tồn tại. Phải đến khi phát triển thành hệ thống, có chuỗi cửa hàng rộng khắp thì mới nghĩ đến câu chuyện nhân sự một cách nghiêm túc và bài bản. Thứ hai, quy mô thị trường của kênh bán lẻ hiện đại cho đến thời điểm này vẫn khiêm tốn, khoảng 10% (lưu ý rằng đây là mức độ thâm nhập thị trường, không tương đồng với con số về thị phần dựa vào đóng góp doanh thu).
Trong khi đó, bán lẻ truyền thống vẫn đang rất phổ biến và trong đó, người kinh doanh vẫn coi việc mua bán là hoạt động bình thường, đơn giản, dựa trên kinh nghiệm bản thân, không cần qua đào tạo, phát triển thành kỹ năng hay bộ tiêu chuẩn. Quan trọng hơn là ngành bán lẻ vẫn chưa được coi là ngành công nghiệp thực sự để tập trung phát triển.
Cũng theo vị chuyên gia này, câu chuyện thiếu nhân sự đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành bán lẻ trong nhiều năm qua dù đã có vài tác nhân với thị trường. Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam với chiến lược nhân sự bài bản nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn là “nghề dạy nghề”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bao nhiêu người học được nghề từ nhà bán lẻ cũng tạo ra bấy nhiêu lao động có kỹ năng, trình độ khác nhau vì mức độ tiếp nhận không giống nhau và cũng không chắc chắn gắn bó lâu dài trong điều kiện luôn được đối thủ mời mọc, chiêu dụ. Do không đồng nhất nên khi các chuỗi phát triển nhanh, phần nhân sự vẫn rất dễ bị “gãy”.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ trong nước cũng đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân sự nhưng thường là nhận vào làm mới bắt đầu, quy trình đào tạo khá phức tạp và công việc thực tế cũng vất vả khiến người lao động không kiên trì. Quá trình làm việc cho thấy người Việt Nam thiếu kỹ năng xã hội, cụ thể là kiểm soát bản thân, tức dễ để cảm xúc lấn át hoặc không đảm bảo được mô hình dịch vụ khi áp lực gia tăng… Các doanh nghiệp cũng đang tự giữ riêng cho mình bộ tiêu chí mà không chia sẻ với nhau, không có ý thức đóng góp cho sự phát triển chung của ngành.
“Việt Nam luôn nói rằng dịch vụ sẽ trở thành ngành mũi nhọn nhưng lại không có bước đi nào rõ ràng cho mục tiêu, tuyên bố này. Tôi nhớ cách đây 10 năm, tôi sang Singapore để học khóa giám đốc siêu thị, họ đã có bộ tiêu chí, kỹ năng về ngành. Năm 2015 thì họ đã có tiêu chuẩn quốc gia để các trường nghề theo đó đào tạo. Bản thân các doanh nghiệp cũng đào tạo và bằng cấp được tất cả các bên công nhận. Việt Nam chúng ta có gì? Không có gì cả”, vị chuyên gia này nói.
Theo ông, để giải quyết tình trạng khát nhân sự của ngành bán lẻ, ngoài việc các chuyên gia ngừng tranh luận không cần thiết, doanh nghiệp chia sẻ cho mục đích phát triển ngành, Nhà nước cần phải bắt tay thực sự vào việc phát triển ngành dịch vụ mà Việt Nam có sẵn nguồn lực (dân số đông, giá nhân công chưa cao). Trước mắt là cần có một bộ tiêu chí chung của ngành bán lẻ với những tiêu chuẩn căn bản: cười, chào, giao tiếp để người lao động phổ thông nào cũng có thể thực hiện được và thực hành thường xuyên. Bộ tiêu chuẩn này phải được xây dựng từ phía doanh nghiệp, không phải được vẽ ra từ các phòng máy lạnh với các quy định hành chính, xa rời thực tế; và cũng chỉ mang tính gợi ý, không cứng nhắc để các nhà bán lẻ chủ động đưa thêm những khác biệt của riêng mình làm lợi thế cạnh tranh. Bước cao hơn của lao động phổ thông là người có tay nghề, được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Và đây là công việc mà doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm.
Căn cơ hơn, đó là phải định hướng lại xã hội về nghề nghiệp bằng giáo dục. Theo đó, cần thay đổi tư duy của nhiều người Việt Nam là phải học đại học nhưng lại không biết học xong mình sẽ làm gì khi ra trường, không có kỹ năng cụ thể hoặc mơ mộng quá lớn. Cần đưa định hướng nghề nghiệp vào ngay trong nhà trường phổ thông để học sinh hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì, mình cần làm gì cho tương lai.
Minh Tâm (Theo TBKTSG)