Ngay sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu 5 bộ ngành ‘siết’ quản lý hàng xách tay, ngày 10.4, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã dán thông báo ‘tạm ngưng thông quan hàng hóa dạng quà biếu phi mậu dịch, hay đang ở trong kho của hải quan để thanh tra toàn diện’.
Hàng xách tay, xuất dư bán tràn lan trên thị trường. ẢNH: M.PHƯƠNG
“Tắc” ở cảng vẫn tung hoành nội địa
Ngày 12.5, tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, anh Đoàn Tiến, đang làm thủ tục nhận hàng nhập khẩu, cho biết các đại lý nhận đặt và vận chuyển hàng theo hình thức hàng xách tay từ Mỹ về với lượng lớn rất khó lấy hàng ra tại thời điểm này. Cơ quan hải quan đang siết chặt quản lý, các lô hàng vượt chỉ tiêu miễn thuế sẽ bị “ách” lại. Chủ đại lý Ngoc Beauty (Q.10), chuyên nhận đặt hàng và vận chuyển hàng xách tay từ Mỹ về VN than thở, hàng của khách đặt từ cuối tháng 3 gửi về đường máy bay vẫn chưa thông quan được.
Hàng “tắc” ngoài cảng nhưng tung hoành trong nội địa và đều được mời chào “hàng vừa về” tại một số cửa hàng thời trang áo quần, mắt kính, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ở TP.HCM. Tại cửa hàng thời trang T.O trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), gọng kính cận hiệu Chanel và Dior được khẳng định hàng xách tay chính hãng bán đồng giá 2,5 triệu đồng/cái. Khi người mua còn phân vân, lập tức giá được giảm xuống 2,2 triệu đồng và cuối cùng “thôi lấy chị 2 triệu đồng mỗi cái tặng kèm hộp chính hãng”, người bán dụ. Cùng gọng kính Dior này, giá bán tại cửa hàng miễn thuế sân bay Singapore tính ra tiền Việt khoảng 4,2 triệu đồng.
Đường Nguyễn Trãi (Q.5) có thể coi là “thủ phủ” với nhiều cửa hàng gắn bảng hàng nhập xịn của các thương hiệu nổi tiếng. Đáng nói ở các cửa hàng này, giữa giá gốc bằng ngoại tệ và giá tiền đồng chênh lệch một trời một vực. Ghé vào cửa hàng T.H, một túi xách Coach in giá trên sản phẩm là 499 USD, nhưng giá Việt dán bên dưới là 5,6 triệu đồng; chai nước hoa La Vie est Belle (Pháp) giá 126 USD, giá Việt chỉ còn 1,6 triệu đồng…
Ngoài hàng xách tay, điệp khúc “hàng xuất dư” được nhiều cửa hàng thời trang lớn, trung tâm mua sắm chào khách. Tại cửa hàng T. chuyên bán quần áo xuất khẩu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Banana Republic, Gap, Old Navy, Espirit… đều có mặt. Người bán khẳng định là hàng xuất “auth” (hàng chính hãng – PV). Do có mối quan hệ nên nên khi xuất dư, cửa hàng sẽ “ôm” để bán cho khách lẻ. Một chiếc áo đầm hiệu Warehouse (Anh) có giá đính bên trong sản phẩm là 59 USD, giá được dán nhỏ bên dưới chỉ 360.000 đồng; áo đầm hồng hiệu Talbots của Mỹ có giá gốc trên nhãn là 59,5 USD, giá tiền Việt gắn bên dưới chỉ 180.000 đồng…
Hàng hiệu, giá chợ
Theo một số đại lý chuyên nhận đặt hàng từ nước ngoài, giá hàng thời trang, mỹ phẩm xách tay về đến VN cộng thêm 5% công mua, 5 – 9% thuế (tùy sản phẩm), phí vận chuyển 11 – 12 USD/kg… nên thường cao hơn khoảng 20 – 25% so với giá gốc. Với cách tính này, giá một chai nước hoa trị giá 126 USD xách tay về đến VN phải được bán từ 3,5 – 4 triệu đồng chứ không thể có mức giá 1,6 triệu đồng. Chị Nguyễn Thu Trang (TP.Nha Trang), chủ đại lý chuyên nhận đặt hàng từ nước ngoài phân tích, nếu canh mua hàng đợt giảm giá 50% thì giá chiếc đầm hiệu Talbots của Mỹ còn gần 30 USD, tương đương 670.000 đồng. “Thậm chí nếu chiếc áo đầm trên được giảm giá đến 70% còn lại 18 USD thì cũng tương đương 420.000 đồng. Đó là chưa cộng thêm các chi phí khác giá còn cao hơn. Không thể có hàng xách tay giá rẻ đến vậy”, chị Trang khẳng định.
Với hàng “xuất dư”, chị Bùi T.Thương, chủ xưởng may gia công hàng xuất khẩu tại H.Củ Chi, TP.HCM, cũng khẳng định khi đặt hàng, các tập đoàn có quy định về tỷ lệ sai sót, hàng lỗi rất thấp. Họ có quy định rất chặt về tiêu hủy, bỏ tên thương hiệu ra khỏi những sản phẩm lỗi và doanh nghiệp buộc phải tuân theo. Nếu để bị phát hiện đưa ra thị trường hàng hóa lỗi, doanh nghiệp sẽ bị ngưng hợp đồng và bị phạt rất lớn. Vì vậy, không thể có hàng xuất dư bán tràn lan như vậy. Chị Thủy Hoàng, trưởng bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm một nhà máy chuyên sản xuất giày xuất khẩu ở Bình Dương, nói thẳng rất khó để có thể “lọt” ra ngoài một đôi giày dù là giày lỗi. “Sản phẩm lỗi thường qua cả hội đồng xét để tiêu hủy trước chứng kiến của nhiều bộ phận. Ai cố ý mang một đôi giày lỗi ra ngoài nếu bị phát hiện coi như bị mất việc”, chị Hoàng cho biết.
(Theo Thanh Niên)