Mặc dù giao dịch mua bán điện tử có một số đặc thù so với mua bán truyền thống song các bên mua và bán vẫn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Hóa đơn bán hàng là một trong nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp rất quan tâm và có nhiều thắc mắc. Doanh nghiệp khi giao hàng cho khách hàng mà không có hóa đơn chứng từ kèm theo thì liệu có hợp pháp hay không?
Theo quy định của luật pháp Việt Nam thì mọi hoạt động mua bán, giao dịch và thực hiện giao kết hợp đồng điện tử đều phải tuân thủ các quy định liên quan tới thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng.Theo Điều 42 của Luật Thương mại, bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng.
Theo Điều 21 khoản 2 mục d, Nghị định 51 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán phải có nghĩa vụ lập và giao hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua. Người bán không phải lập hóa đơn nếu bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn (Điều 16 khoản 1).
Một vấn đề cũng được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm đó là nhãn mác hàng hóa. Đối với hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, khi đặt hàng qua mạng và hàng tới tay người tiêu dùng thì trên nhãn mác có cần ghi rõ đơn vị nhập khẩu và đơn vị bán hàng hay không?
Theo quy định của Nghị định về Thương mại điện tử, thông tin hàng hóa phải được hiển thị một cách đầy đủ, rõ ràng để khách hàng có thể xác định chính xác đặc tính của hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, đối với hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, thông tin sản phẩm cần bao gồm cả thông tin về đơn vị nhập khẩu hay các thông tin về đặc tính sản phẩm và cách sử dụng. Tất cả những thông tin này cần được hiển thị bằng tiếng Việt trên sản phẩm.
Cụ thể, theo Điều 9 khoản 3, Nghị định 89 về Nhãn hàng hóa có quy định hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ kèm theo mô tả những nội dung này và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Cũng theo quy định tại Điều 11 khoản 1 và Điều 14 khoản 2 của Nghị định này, nội dung trên nhãn hàng hóa phải bao gồm các thông tin như: tên hàng hoá, xuất xứ hàng hóa, tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hoá. Hàng hoá được nhập khẩu vào Việt Nam thì phải ghi tên và địa chỉ của đơn vị sản xuất và tên, địa chỉ của đơn vị nhập khẩu.
Do đó khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng thì trên nhãn mác hàng hóa phải có đầy đủ các thông tin về đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu và người chịu trách nhiệm về hàng hóa.
Trong thời gian qua giao dịch mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng. Hình thức mua bán này đã thể hiện được nhiều lợi thế so với mua bán truyền thống. Tuy nhiên, còn một số website thương mại điện tử chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật về giao kết hợp đồng trực tuyến được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử. Điều đó không chỉ khiến doanh nghiệp vận hành website gặp bất lợi trước pháp luật mà còn khiến khách hàng mất niềm tin vào doanh nghiệp khi mua bán hàng hóa.
VECOM hiện đang phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Bộ Công thương thực hiện chương trình gắn biểu tượng tín nhiệm Safeweb cho các website thương mại điện tử. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện website của mình theo bộ tiêu chí chuẩn về các quy định trong giao kết hợp đồng, minh bạch hóa thông tin liên quan tới sản phẩm và mua bán, bảo vệ thông tin cá nhân của người mua. Khi có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp vận hành website thương mại điện tử, niềm tin của người tiêu dùng trong mua bán trực tuyến sẽ được nâng cao, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 13/8/2013 tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử” đã được tổ chức tại Hà Nội. Ngày 25/10 tới tọa đàm thứ hai sẽ được tổ chức tại Văn phòng đại diện VECOM tại Tp. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các chuyên gia tới từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin và một số doanh nghiệp bán hàng trực tuyến tiêu biểu.
Quý doanh nghiệp quan tâm vui lòng tham khảo thông tin chi tiết tại đây