Là một trong những thương hiệu thời trang cao cấp, Burberry đã gây sự chú ý khi tiêu hủy hơn 37 triệu USD quần áo, phụ kiện và nước hoa tồn kho năm 2017.
Theo ước tính, trong 5 năm, Burberry đã “đốt” gần 120 triệu USD tổng giá trị hàng hóa theo đúng nghĩa đen.
Theo giải thích của hãng, đằng sau bước đi khá cứng rắn này là nhằm ngăn chặn việc các sản phẩm thời trang của mình bị làm nhái và cũng không muốn phải hạ giá sản phẩm để tiêu thụ hết hàng.
Đây không phải là một chiến lược mới mẻ của các hãng thời trang nhưng cũng bị nhiều chỉ trích là gây tổn hại tới môi trường.
Giữ thương hiệu, không muốn giảm giá
Theo lập luận của Maria Malone, Giảng viên về kinh doanh tài chính tại Đại học Manchester Metropolitan, những năm gần đây, Burberry đã phải vất vả bảo vệ thương hiệu khi những kẻ làm hàng nhái đã dán nhãn Burberry lên bất kỳ mặt hàng nào họ có thể.
“Họ không muốn sản phẩm Burberry dễ dàng đến tay người tiêu dùng với mức giá thấp và làm mất giá trị thương hiệu. Burberry cũng không muốn thị trường bị ngập trong hàng khuyến mại. Tiêu hủy các sản phẩm tồn kho lá cách Burberry bảo vệ giá trị thương hiệu của mình”, Maria nói.
Tuy nhiên, hành động này Burberry đã vấp phải sự phản đối của một số nhà đầu tư vì việc tiêu hủy hàng tồn sẽ ảnh hưởng tới môi trường.
Trong cuộc họp thường niên, các cổ đông đặt ra câu hỏi rằng: tại sao các cổ đông không thể có cơ hội mua các mặt hàng này.
Theo ông Serge Carreira, chuyên gia về hàng xa xỉ, thuộc Viện Nghiên cứu Sciences-Politiques (ngành quản trị kinh doanh), Pháp: “Tuy là một thương hiệu sang trọng hấp dẫn, nhưng không thể bán hết mọi thứ. Đó là hàng may sẵn, sản xuất theo mùa và theo mốt nhất thời, chúng làm tăng lượng hàng tồn, nên có thể bỏ”.
Một chiếc túi xách được bày bán của Burberry. Ảnh: Reuters.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính độc quyền của hàng hóa
Burberry không phải doanh nghiệp đầu tiên phải hủy sản phẩm. Richemont, hãng sản xuất trang sức và đồng hồ sang trọng hiệu Cartier cũng hủy 481 triệu EUR, tương đương 557,2 triệu USD, giá trị hàng hóa trong tháng 5 để ngăn chúng bị hạ giá trên thị trường thứ cấp. Điều này sẽ làm giảm bớt sức hút thương hiệu sang trọng.
Việc tiêu hủy hàng tồn kho để tránh phải bán hàng giảm giá là thông lệ bình thường với các thương hiệu thời trang của nhà thiết kế. Mục đích của việc này là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính độc quyền của hàng hóa. Ngoài ra, việc này cũng đảm bảo giữ nguyên chuỗi cung ứng, ngăn chặn tình trạng hàng hiệu rơi vào tay những kẻ làm hàng giả bất hợp pháp. Một số thương hiệu cao cấp khác như Chanel (Anh), Louis Vuitton (Pháp) cũng đốt hoặc tiêu hủy hàng tồn kho.
Thông lệ này đã từng bị các nhà môi trường lên án và tin tức về trị giá hàng tồn kho mà Burberry phải bỏ đi trong năm nay đã vấp phải nhiều sự chỉ trích ở Anh. AFP dẫn lời Tim Farron, một nhà làm chính sách và là người phát ngôn về môi trường của phe đối lập: “Thật nhục nhã khi Burberry nghĩ rằng đốt cháy hàng tồn kho là một giải pháp chấp nhận được. Là thương hiệu thời trang hàng đầu Anh quốc, họ nên đi đầu về thời trang bền vững”. Tim cũng lưu ý rằng tái chế “tốt cho môi trường hơn nhiều”.
Ngoài những tên tuổi trên, Business Insider UK còn liệt kê thêm một số nhãn hiệu nổi tiếng khác cũng có chính sách tiêu hủy hàng hóa. Thương hiệu thời trang H&M đã từng gửi hàng tồn kho đến thành phố Vasteras ở Thụy Điển để hàng hóa sau khi đốt cháy được tái tạo thành điện. Hay nhà sản xuất các nhãn hiệu trang sức và đồng hồ Cartier and Montblanc nổi tiếng Thụy Sĩ, Richemont, đã tiêu hủy một số lượng đồng hồ có trị giá hơn 400 triệu bảng Anh (520 triệu USD) trong hai năm qua vì dư thừa hàng ở các thị trường châu Á. Hay Nike thừa nhận việc đã rạch nát những đôi giày thể thao chưa bán được, rồi “đổ sơn xanh” lên vớ tồn kho trước khi vứt bỏ chúng.
Thái Bình (Theo NCĐT)