Thương hiệu thức ăn nhanh L. vào Việt Nam từ năm 2004. Hơn 13 năm qua, doanh thu mỗi năm đạt 1.300-1.500 tỉ đồng nhưng năm nào họ cũng báo lỗ, ít nhất là 20 tỉ đồng (năm 2017), nặng nhất 135 tỉ đồng (năm 2016)…
Ảnh minh họa.
Lũy kế đến năm 2017, chuỗi thức ăn nhanh này lỗ hơn 430 tỉ đồng, tương đương phần vốn điều lệ của công ty. L. lý giải họ sạch túi là vì chi phí bán hàng tăng cao đột biến. Ví dụ, tổng chi phí bán hàng 2 năm 2015 và 2016 là 1.519 tỉ đồng, chiếm 50%-55% doanh thu của cả 2 năm.
Vào Việt Nam sau L. đúng 1 năm, chuỗi thức ăn nhanh J. cũng báo lỗ, lũy kế đến nay là 400 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ cũng khoảng chừng ấy. Còn hãng K. – ông lớn trong làng thức ăn nhanh – thì 2 năm nay đã báo lãi với mức khiêm tốn.
Hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh khác như P., B., D., M… cũng triền miên báo lỗ. Trong đó hãng bánh kẹp nức tiếng M. của Mỹ sau 3 năm vào Việt Nam làm ăn cũng báo lỗ 500 tỉ đồng.
Dân kinh doanh nhìn vào là thấy ngay sự bất thường. Bởi lẽ, thức ăn nhanh là thị trường béo bở; riêng tại Việt Nam – theo nghiên cứu của Euromonitor hồi năm 2016 – ngành thức ăn nhanh có khả năng sinh lời cao xếp thứ ba. Các nhãn hàng trên đều thuộc hàng trứ danh trên thế giới, tiêu chuẩn toàn cầu, để đạt được tầm vóc thương hiệu như vậy hẳn nhiên phải nhờ tài kinh doanh giỏi giang. Cho nên, kết quả làm ăn bết bát tại Việt Nam như đã nêu trên là rất đáng ngờ!
Nhưng vẻ như cơ quan thuế lại không nhận ra điều đó? Báo cáo kinh doanh, báo cáo thuế làm hằng năm chứ nào phải “khuất mày khuất mặt” mà không thấy!
Báo lỗ kinh doanh thì không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và được miễn trừ nhiều nghĩa vụ khác. Đây là hiện tượng của chuyển giá, lợi nhuận chảy cả về túi công ty mẹ ở nước ngoài. Chiêu bài này không mới, từng được một số công ty ngoại như C. (thức uống), M. (bán sỉ) áp dụng và đã bị bóc mẽ.
Không riêng thức ăn nhanh mà các thương hiệu bán lẻ nước ngoài cũng đang trong diện bị hoài nghi chuyển giá, qua báo cáo lỗ kinh niên, dù đã vào Việt Nam 5-15 năm. Với kinh nghiệm dày dạn về nhiều mặt, trong đó có sổ sách kế toán, họ không khó để qua mặt các cơ quan hữu trách sở tại.
Chúng ta có ngăn chặn được không? Hoàn toàn có thể. Chỉ cần viện vào cớ các thương hiệu ngoại liên tục báo lỗ nhưng không ngừng mở rộng đầu tư kinh doanh là cơ quan thuế có thể vào cuộc thanh – kiểm tra để làm cơ sở tiến hành các bước xử lý tiếp theo.
Giữa năm ngoái, Tổ chức Oxfam đánh giá: Mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỉ USD do hoạt động né thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Khoản tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang phải bỏ học được đến trường và cứu sống 6 triệu trẻ. Rõ ràng, để thất thu thuế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội mà còn đắc tội với nhân dân. Các sắc luật về thuế và Nghị định 20/2017 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng có nhiều quy định giúp ngăn chặn các hành vi chuyển giá nhằm trốn thuế tại nước ta. Vấn đề tùy thuộc vào quyết tâm của các nhà chức trách mà thôi.
Cát Tường (Theo NLĐ)