Báo cáo khảo sát giám đốc các quỹ đầu tư của Bank of America Merrill Lynch vừa công bố tháng 9 cho thấy một triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm nhất kể từ tháng 12/2011.
Theo đó, điềm báo đầu tiên là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng hàng rào thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và ngay sau đó là hành động áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ của Đại lục.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế nhận ra, các thị trường mới nổi vẫn là khu vực có giao dịch thương mại đông đúc bậc nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu là một hệ thống phức tạp, nơi mà mọi việc không còn ở trong một thể thống nhất như trước. Điển hình là việc các nền kinh tế châu Á đang có sự kết dính mạnh mẽ hơn bao giờ hết và dần đứng vững trước tâm bão chiến tranh thương mại toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giao dịch nội khu vực châu Á (bao gồm Nam Á) năm 2016 trong tổng khối lượng giao dịch thương mại chiếm tới 60%, vượt qua con số 56% của khối NAFTA (gồm Mexico, Mỹ và Canada), và chỉ đứng thứ hai sau Liên minh châu Âu (EU) với 69%.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt là không giống như NAFTA hay 27 thành viên EU, các nền kinh tế khu vực châu Á tích cực tìm đến nhau mà không cần một thỏa thuận thương mại tự do nào. Chính việc các mối liên kết được thắt chặt đã giúp châu Á trở nên ổn định, bền vững và linh hoạt hơn trước những biến động lớn của thị trường toàn cầu.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc là nhân tố thúc đẩy chính. Trong khi Đại lục có màn biểu diễn ấn tượng với thể giới về sức mạnh xuất khẩu thì tại châu Á, sức mạnh nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng rất to lớn.
Năm 2017, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Australia; đồng thời là thị trường lớn thứ hai của Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam.
Đối với Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ là 2 quốc gia thay phiên nhau nắm giữ vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất mỗi năm. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng giao dịch thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản đang ở mức đáng ngạc nhiên.
Năm 2010, Nhật Bản xuất khẩu 143 tỷ USD hàng hóa tới Mỹ và 36 tỷ USD tới Trung Quốc. 7 năm sau, vào năm 2017, Nhật Bản xuất khẩu khẩu 133 tỷ USD hàng hóa sang Đại lục, gần tương đương mức 135 tỷ USD sang Mỹ, theo số liệu của IMF.
Cùng với diễn biến này, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện chuỗi giá trị khu vực.
Theo United Natins Comtrade, thị phần tại thị trường hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ gần 5% năm 2007 lên hơn 20% năm 2016. Trong khi thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tới các thị trường mới nổi ước tính đạt 49% năm 2017, tăng so với mức 38% năm 2010.
Kết quả là, với các thị trường mới nổi của châu Á, đặc biệt là ASEAN, các quốc gia tại đây được hưởng lợi lớn từ các mối quan hệ nội khối. Các nền kinh tế này có thể nhập khẩu nhiều hàng hóa giá cả phải chăng từ Trung Quốc, từ đó cho phép thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển của các ngành công nghiệp.
Trong khi sức tiêu dùng từ lực lượng dân số trẻ và đông đảo của Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường mới nổi tại châu Á, hỗ trợ việc mở rộng sản xuất – kinh doanh. Đây chính là mối liên kết chặt chẽ và mang lại lợi ích cho nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Bên cạnh thương mại, mối liên kết giữa các nền kinh tế châu Á còn được hỗ trợ nhờ lĩnh vực du lịch nội khối. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của du lịch ngoại quốc đối với cư dân Trung Quốc là rất nhanh.
Năm 2017, có 143 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 258 tỷ USD, theo Tổ chức Du lịch thế giới (con số này nhiều hơn cả Mỹ, Anh, Đức và Pháp cộng lại). Trong đó, các quốc gia châu Á bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc là những điểm đến chính, tiếp theo là Indonesia, Philippines và Malaysia.
Trong khi đó, du lịch trong các nước ASEAN cũng tăng trưởng nhanh, ước tính hơn 1 nửa số lượng du khách tới ASEAN là cư dân của các quốc gia thuộc khu vực này.
Tác động kinh tế của lĩnh vực du lịch là rất lớn. Theo ước tính của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới, du lịch đóng góp tới 5% GDP, 12% lực lượng lao động và hơn 6% đầu tư tại ASEAN.
Lam Phong (Theo ĐTCK/Báo chí nước ngoài)