Thượng viện Australia ngày 17/10 chính thức phê chuẩn Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với quyết định này, Australia trở thành quốc gia thứ 4 phê chuẩn hiệp định, tăng triển vọng đưa hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2019.


Đại diện các quốc gia thành viên CPTPP chụp ảnh lưu niệm sau lễ ký kết hồi tháng 3. (Ảnh: Reuters)

Đại diện các quốc gia thành viên CPTPP chụp ảnh lưu niệm sau lễ ký kết hồi tháng 3. (Ảnh: Reuters)

Với việc CPTPP được thông qua tại Thượng viện hôm nay và tại Hạ viện hôm 17/9, Australia chính thức hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định này bất chấp căng thẳng chính trị giữa các đảng phái.

Như vậy, Australia trở thành quốc gia thứ 4 phê chuẩn hiệp định sau Mexico, Nhật Bản và Singapore.

Bình luận về sự kiện này Thủ tướng Australia Scott Morrison nói: “Hôm nay là một ngày trọng đại cho cộng đồng doanh nghiệp toàn thế giới”.

New Zealand và Việt Nam dự kiến cũng sẽ hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định trong vài tuần tới và sẽ có đủ tối thiểu 6 quốc gia phê chuẩn để hiệp định có thể có hiệu lực.

Hãng tin Nikkei dẫn lời một phát ngôn viên từ Văn phòng Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết, quốc hội nước này dự kiến sẽ phê chuẩn hiệp định trước tháng 12 năm nay, nhanh hơn dự kiến ban đầu.

Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết với báo chí hôm 6/10 rằng, Việt Nam dự kiến thông qua CPTPP trong kỳ họp quốc hội dự kiến kết thúc vào cuối tháng 11.

CPTPP chính thức được ký kết tại Santiago – Chile hồi tháng 3/2018, gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP có tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Dương (TPP) với sự tham gia 12 thành viên, tuy nhiên Mỹ đã rút khỏi đàm phán hiệp định sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào đầu năm ngoái.

CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…

Hiệp định CPTPP là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Mỹ quay trở lại tham gia và sự tham gia của các nước khác.

Dantri

Theo Nikkei