Dù sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường nhưng tỉ lệ người tiêu dùng Việt yêu thích sản phẩm ngoại nhập trong 3 năm gần đây vẫn cao và xu hướng này sẽ tiếp tục khi hàng Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan đổ vào.
Hàng ngoại sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt với hàng sản xuất trong nước. Ảnh: NLĐ
Đây là một phần trong kết quả khảo sát, điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) công bố tại buổi họp báo ngày 14-2.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho biết nhiều thông tin mới về xu hướng thị trường được đúc kết từ cuộc điều tra năm nay, trong đó tỉ lệ ưu thích và tiêu dùng hàng Việt Nam của khách hàng trong nước vẫn cao, tỉ lệ yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 89% và 93%.
Tuy nhiên, tỉ lệ người dùng Việt yêu thích sản phẩm ngoại nhập từ kết quả khảo sát trong 3 năm gần đây vẫn cao hơn tỉ lệ mua dùng hiện tại. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục dịch chuyển sang những sản phẩm ngoại nhập đến từ Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã, đang cảm nhận được sức cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại và xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các hiệp định khác giảm thuế mạnh mẽ hơn theo cam kết. Sân chơi mới mở ra cũng đồng thời sẽ khép lại những cơ hội nếu doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng.
“Để ứng phó, có doanh nghiệp Việt giảm danh mục hàng hóa, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, mạng lưới phân phối… Một số doanh nghiệp không còn đẩy mạnh, mở rộng thị trường phía Bắc khi họ thấy không cạnh tranh nổi với hàng ngoại, cộng thêm chi phí vận chuyển cao” – bà Hạnh thông tin.
Một xu hướng khác trong cuộc cạnh tranh này, không ít doanh nghiệp Việt đã rời thị trường và bán cho các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Trung Quốc…
Ngoài ra, một điểm thú vị từ cuộc khảo sát năm nay cho thấy siêu thị là nơi được người tiêu dùng ưng đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng; tiếp đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi (bao gồm tạp phẩm của hộ gia đình).
Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Đáng lưu ý, mô hình “tiệm tạp hoá” tại Việt Nam đang thay đổi, dù nhỏ nhưng nhiều tiệm tạp hoá bắt đầu quan tâm việc tối ưu hoá kinh doanh: không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho, quan tâm đến dòng tiền ra vào hiệu quả, cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản… Họ tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và các cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.
Trong khi đó, kênh bán hàng trực tuyến dù đứng cuối bảng nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ.
Thái Phương (Theo NLĐ)