Ngành logistics “khát” nhân sự

Ngày đăng: 20/05/2019 09:27:38

Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics trong đó 54% đang hoạt động tại TPHCM và nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng 10% nhu cầu của ngành.

 

Ảnh minh họa.

 

Đó là thông tin mà ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logisitcs Việt Nam (VLA), dẫn báo cáo của VLA đưa ra tại Diễn đàn Phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics và xu hướng tại Việt Nam do tổ chức Australian Aid, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 16-5.

Ông Khoa chia sẻ, để bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt trong ngành, các doanh nghiệp nhận nhân sự trái nghề và tự đào tạo. Chẳng hạn như doanh nghiệp nhận lao động được đào tạo từ các ngành ngoại ngữ, quản trị kinh doanh…

 

Ông Khoa cho rằng, điểm yếu của nhân sự logistics chính là chưa được đào tạo sát và chưa bổ sung kiến thức ngành. Khi ngành phát triển theo hướng mới có dữ liệu lớn, tự động hóa thì nhân sự trong ngành cần cập nhật.

 

Bên cạnh điểm yếu thì điểm mạnh của nhân sự trong ngành đó là thế hệ trẻ, năng động nên khả năng tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn. So với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang có nguồn nhân lực rất trẻ.

 

Theo thông tin tại diễn đàn, các trường dạy nghề thường gặp thách thức trong việc đáp ứng trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp so với nhu cầu thực tế của doanh ngiệp, dẫn tới tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong thị trường lao động. Do đó, sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào những vị trí tay nghề thấp với mức lương khiêm tốn, trong khi các nhà tuyển dụng lại phải đầu tư đào tạo lại nhân viên.

 

Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics”, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết.

 

Về giải pháp đối với việc thiếu nguồn nhân lực trong logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho rằng ngành này cũng giống như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, nhân lực dựa vào hai nguồn. Thứ nhất là đào tạo đại học và thứ hai là cao đẳng nghề. Cả hai lĩnh vực này đều đóng vai trò quan trọng. Để có thể đào tạo được nguồn nhân lực trong ngành, cần sự triển khai của cả hai khối trường.

 

Với khoảng 3.000 doanh nghiệp trong ngành logistics, 32,4% doanh nghiệp có dưới 50 nhân viên, khoảng 18,9% doanh nghiệp có từ 50 đến 100 nhân sự và 10,8% doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, theo báo của của VLA.

 

Theo TBKTSG