Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký kiêm trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử khu vực phía Nam, cho hay nếu như trước đây thương mại điện tử phải đối mặt với trở ngại như thanh toán trực tuyến và giao nhận thì nay phải đối mặt với thách thức mới là an ninh thông tin cho người tiêu dùng.
“Hiện tồn tại khá nhiều website không an toàn và người tiêu dùng nhẹ dạ đưa thông tin cá nhân như tên, địa chỉ và cả thông tin giao dịch ngân hàng. Hầu hết đây là các website ảo được lập ra để đánh lừa người tiêu dùng”, ông nói.
Một khảo sát mới đây của hiệp hội này thực hiện với 800 người mua hàng trực tuyến cho thấy có 31% người tiêu dùng lo ngại thông tin cá nhân bị rò rỉ khi giao dịch qua mạng, 40% cho rằng giá cả mua qua mạng không thấp hơn so với mua sắm trực tiếp, 77% cho rằng sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, 29% cho rằng cách thức đặt hàng khá phức tạp.
Các website TMĐT còn thiếu tin cậy
Chính những rào cản ấy khiến 30% người mua hàng đã không cảm thấy hài lòng khi mua sắm qua mạng.
Theo ông Dũng, để tránh rủi ro trước khi click mua hàng, người tiêu dùng cần lưu ý những thông tin hiển thị trên website, bao gồm thông tin về chủ sở hữu website hay người bán, thông tin chi tiết về sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng hãy dành thời gian tìm hiểu các quy trình mua hàng, chính sách thanh toán, giao hàng, bảo hành, đổi, trả hàng hóa, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của website đó.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
Hiện, để tạo niềm tin cho TMĐT thì hiệp hội này đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đưa chương trình dán nhãn uy tín cho website thương mại điện tử.
Cụ thể, chương trình SafeWeb này bao gồm các tiêu chí đánh giá sự uy tín của các website TMĐT dựa trên các nguyên tắc gồm xây dựng niềm tin, bảo vệ thông tin cá nhân, thực hiện giao kết hợp đồng, quảng cáo trung thực và giải quyết khiếu nại.
Mục tiêu cao nhất mà SafeWeb hướng tới là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của TMĐT Việt Nam.
Ông Dũng cho biết hiện chương trình này đã nhận được sự tham gia của 10 doanh nghiệp và họ đang trong quá trình thẩm định các tiêu chí để dán nhãn cho các website của 10 doanh nghiệp này.
Theo (TBKTSG Online).
Các bài liên quan:
An ninh mạng – doanh nghiệp Việt Nam thiếu chuyên gia
Các Doanh nghiệp TMĐT Việt Nam đang trôi về đâu ?
Doanh nghiệp cần làm gì để minh bạch thông tin trên các website thương mại điện tử