Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội có thể để gửi cho EU những thông điệp tích cực, tạo thuận lợi cho việc phê chuẩn EVFTA và IPA.
Trao đổi với báo giới vào chiều nay (31.10) nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Uỷ ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA), ông Lange Bernd cho biết, phái đoàn đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong các ngày 31 và 30.10 để thảo luận các vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) và thực thi các cam kết trong các hiệp định này.
Ông Bernd cho biết, tháng 2.2020, Nghị viện Châu Âu sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua các hiệp định mà 2 bên vừa ký kết hồi tháng 6 năm nay.
“Những tháng tới là thời gian quan trọng để đi đến hiểu biết chung, để EU có tín hiệu đầy đủ từ Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phê chuẩn” – ông Bernd nói.
Phó Chủ tịch INTA, ông Jan Zahradil bày tỏ vui mừng khi hai bên đã ở giai đoạn cuối sau quá trình đàm phán các hiệp định kéo dài nhiều năm qua, cho rằng giai đoạn sắp tới có ý nghĩa lịch sử khi có quyết định cuối cùng từ Nghị viện Châu Âu.
“Không có quốc gia nào trong Đông Nam Á có thể ký kết với EU các hiệp định tương tự như Việt Nam trong tương lai sớm, điều đó phản ánh mối quan hệ quan trọng giữa Việt Nam và EU. Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội có thể để gửi đi thông điệp tích cực càng nhiều càng tốt, tạo thuận lợi cho việc phê chuẩn. Sau cuộc gặp Thủ tướng, chúng tôi ghi nhận những tín hiệu tích cực từ phía Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới, và tin rằng tháng 2.2020 có thể kỳ vọng những kết quả tích cực từ Nghị viện Châu Âu” – ông Zahradil nói.
Theo Chủ tịch và Phó Chủ tịch INTA, trong số những nhân tố có thể ảnh hưởng đến việc phê chuẩn 2 hiệp định, EU quan tâm đến các công ước còn lại của ILO, nhấn mạnh rằng thương mại là động lực cho phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho mọi người dân và người lao động ở cấp cơ sở.
Phái đoàn INTA cũng cho rằng Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam, khi được Quốc hội thông qua, sẽ là bước tiến quan trọng trong triển khai hiệp định thương mại tự do sau này, mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
“Tôi tin rằng Bộ luật Lao động sửa đổi là vấn đề nội bộ của Việt Nam, hướng tới mục tiêu mà chúng tôi đánh giá cần thiết là bao hàm đa số người lao động được hưởng quyền như nhau. Những điều kiện cụ thể về lao động cần xem xét, thời gian làm việc 44h/tuần là phù hợp, không nên dài hơn. Chúng tôi ủng hộ Việt Nam thông qua bộ luật này” – ông Lange nói.
Về vấn đề thẻ vàng với khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ông Lange cho rằng Việt Nam đã có nỗ lực cải thiện tình hình và đang đi theo hướng tích cực. “Cần cân nhắc đảm bảo trữ lượng thuỷ sản trong tương lai, giảm trợ cấp cho việc đánh bắt. Điều Việt Nam có thể làm là trang bị thiết bị giám sát tàu cá để kiểm soát việc đánh bắt. Nếu làm được, chúng tôi tin tưởng rằng thẻ vàng sẽ được gỡ bỏ” – ông Lange nhấn mạnh.
Về những thách thức từ phía Nghị viện Châu Âu, ông Zahradil cho biết, sau cuộc bầu cử hồi tháng 5, có tới 60% là nghị sĩ mới thuộc 8 nhóm đảng phái khác nhau, nên có nhiều luồng quan điểm phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Zahradil, những tín hiệu tích cực từ Việt Nam đã được các nghị sĩ ghi nhận, nên có thể kỳ vọng những kết quả tích cực từ Nghị viện Châu Âu trong việc phê chuẩn EVFTA và IPA.
Ngọc Vân (Theo Lao động)