Ảnh: abc27.com
“Khi năm 2019 sắp kết thúc, các thị trường tài chính đang hồ hởi trước những dấu hiệu phục hồi kinh tế, như cổ phiếu tại Mỹ đạt mức cao và đường cong lợi suất trái phiếu cũng khả quan sau những mức thấp gần đây”, Ric Deverell, chuyên gia kinh tế tại Macquarie, nhận định.
Phần lớn nỗi quan ngại về nền kinh tế thế giới trong tháng 10 xuất phát từ việc lo sợ thương chiến toàn cầu sẽ ngày càng leo thang. Nhưng trong tháng vừa qua, những thông tin đã rất tích cực. Khả năng về cuộc chia tay đột ngột giữa Anh và EU (sự kiện Brexit) đã giảm mạnh sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson rút lại lời phản đối về vấn đề đường biên giới Ireland. Căng thẳng cũng phần nào được xoa dịu giữa Mỹ – Trung và Tổng thống Mỹ Donald Trump không áp thuế mới lên ô tô nhập khẩu của EU vào giữa tháng 11.
Những xu hướng này đã trở nên rõ nét trong các dữ liệu thương mại, khi khối lượng giao thương hàng hóa toàn cầu tăng trưởng cao hơn trong 2 tháng gần nhất so với tháng 7 và tháng 8. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu của JPMorgan tháng 10 cũng cho thấy sự cải thiện khả quan nhất trong 4 năm. Những dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 đã không còn theo chiều hướng xấu đi.
Sau khi chứng kiến đà trượt dốc của nền kinh tế thế giới trong 18 tháng qua, Peter Hooper, đứng đầu toàn cầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Deutsche Bank, lưu ý trong những tuần gần đây, đà đi xuống đã có những dấu hiệu xoa dịu.
Dù các dấu hiệu này vẫn còn mới, nhưng các chuyên gia vô cùng hào hứng khi những báo cáo bi quan không còn ra rả suốt ngày. “Có những dấu hiệu nhất định trong chỉ số hoạt động kinh tế toàn cầu cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua đi”, Innes McFee, Giám đốc Điều hành bộ phận các dịch vụ nhà đầu tư và vĩ mô tại hãng tư vấn Oxford Economics, nhận định.
Sản lượng công nghiệp châu Âu đã vượt dự kiến. Dù còn nhiều chỉ số khảo sát tiếp tục đi xuống như chỉ số niềm tin vào triển vọng kinh tế của Ủy ban Châu Âu, nhưng các chỉ số khác hiện cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 10 đã cải thiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các cường quốc công nghiệp như Đức, Mỹ, Hàn Quốc. Tại châu Âu, số liệu sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng trong 2 tháng liên tiếp gần nhất, ngăn cản đà suy giảm sâu. Thậm chí Đức, quốc gia chịu tác động mạnh nhất từ đà suy thoái công nghiệp, cũng báo cáo tăng trưởng xuất khẩu và đơn hàng công nghiệp mạnh hơn dự kiến vào tháng 9.
Sự khởi sắc ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. “Các chỉ số của Đức có mối tương quan rất chặt chẽ với các động lực thương mại thế giới”, Katherina Utermöhl, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Allianz, nhận định.
Tuy nhiên, mặc cho dấu hiệu khởi sắc, triển vọng vẫn chưa rõ nét. Sản xuất công nghiệp châu Âu vẫn còn suy giảm, xét theo năm và sản lượng sản xuất Đức đã giảm 5% trong tháng 9.2019 so với cùng kỳ. Sự khởi sắc khiêm tốn trong các dữ liệu vẫn chưa thuyết phục được rằng nền kinh tế thế giới đã phục hồi trên diện rộng. Các số liệu hằng tháng vẫn chưa ổn định và các chỉ số công nghiệp tích cực nói trên chỉ đại điện cho một bộ phận nhỏ của nền kinh tế toàn cầu.
Khi các chuyên gia kinh tế sử dụng thuật toán máy tính để tính toán dữ liệu, triển vọng dường như cũng không có thay đổi gì nhiều. Theo một phân tích bởi Now-casting.com, các số liệu gần đây trên khắp thế giới có nhiều tín hiệu tốt xấu đan xen và chưa cho thấy một triển vọng cải thiện rõ ràng cho quý IV năm nay. Sự cải thiện ở khu vực đồng euro lại tương phản với các chỉ số kém lạc quan hơn ở Mỹ, Canada và Nhật.
“Chúng tôi dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ nhích nhẹ trong năm 2020 nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn yếu xét theo các tiêu chuẩn trước đây”, Neil Shearing, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận định. Vẫn cần chờ thêm những số liệu vững vàng hơn trong thời gian tới thì các chuyên gia kinh tế mới dám khẳng định thời kỳ tồi tệ nhất của nền kinh tế toàn cầu đã qua đi.
Nguồn Theo FT