Chợ, siêu thị hay các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1/4. Hoạt động kinh doanh online cũng đang diễn ra khá sôi động.
Chị Trần Phương Linh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, chị bán tôm, cá đặc sản Cà Mau trên mạng. Hôm nay, sau khi nghe Chỉ thị số 16 về việc cách ly toàn xã hội thì nhiều khách hàng đã gọi điện thoại cho chị yêu cầu giao hàng sớm.
“Khách yêu cầu tôi giao tôm, cá nhanh trong ngày hôm nay vì từ ngày mai là hạn chế đi lại hơn. Từ sáng đến giờ tôi chỉ biết nghe điện thoại và đóng hàng liên tục thôi. Dù nhiều đơn hàng tôi định cuối tuần mới giao”, chị Linh nói.
Theo chị Linh, gần 40kg tôm sú và 60kg cá sẽ được giao gấp trong ngày hôm nay. Chị phải huy động thêm người thân để phụ lên đơn, đóng hàng. Đơn nào có cự ly gần thì chị nhờ người nhà đi giao luôn cho kịp.
Anh Nguyễn Luân (ngụ quận 3) chia sẻ, anh cũng đặt 5kg bơ của một người bạn bán trên mạng và nhờ giao hàng trong tuần này. Tuy nhiên, hôm nay anh phải “hối” bạn anh giao gấp trong hôm nay để kịp “lệnh” cách ly.
“Nhà tôi sẵn sàng rồi, việc gì chưa xong thì mọi người cố gắng giải quyết trong hôm nay để ở trong nhà cho yên tâm. Đồ ăn, thức uống cũng mua vừa đủ dùng rồi, không lo nữa”, anh Luân nói.
Theo anh Phong, người làm nghề giao hàng thì kể từ trưa 31/3 đến 15h chiều, anh đã nhận tổng cộng 7 đơn hàng đi giao. Chủ yếu là giao thực phẩm, nước uống cho các hộ gia đình.
“Ngày hôm qua, từ trưa đến chiều chỉ được 2 – 3 cuốc. Hôm nay, người ta yêu cầu giao hàng liên tục. Bọn tôi ráng chạy hôm nay rồi về nghỉ cho an toàn. Nếu hôm nay chăm chạy cũng kiếm khoảng 700.000 – 800.000 đồng”, anh Phong nói.
Theo ghi nhận của Dân trí, người dân TPHCM nắm bắt thông tin cách ly toàn xã hội từ rất sớm và chủ động mua sắm những thứ cần thiết cho gia đình trước khi “cửa đóng, then cài”. Người dân mua thực phẩm đủ dùng trong tuần và không mua quá nhiều.
Tại các chợ và siêu thị, không khí mua sắm cũng diễn ra bình thường, ổn định. Người dân chủ yếu đi mua gạo, mì gói, thịt, cá, trứng, đồ hộp, dầu ăn, nước mắm, rau xanh, trái cây.
Ngày 31/3, Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông cũng như UBND 24 quận, huyện liên quan đến Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng và Công văn 1152 của UBND TPHCM.
Theo Sở Công Thương, các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1/4/2020 để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị kinh doanh đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Sở Công Thương cũng đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế (đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người) và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách. Trước hết là thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Mọi người dân phải ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Đại Việt