TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng.

 

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

 

Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”- kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.

 

Vì thế, mặc dù đánh giá các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là phù hợp, nhưng vị này vẫn bày tỏ quan ngại về việc thực hiện các chủ trương chính sách tại các chỉ thị của Thủ tướng còn chậm, thiếu nhất quan.

 

“Chúng ta đã xác định phải thực hiện nhiệm vụ kép chống dịch là ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng, thì dường như việc hỗ trợ doanh nghiệp đã chưa được triển khai thật quyết liệt, khẩn trương, rốt ráo như chống dịch và vẫn có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Hơn nữa, theo Chủ tịch VCCI, Thủ tướng có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương vẫn phát lệnh “cấm sản xuất”, “đóng cửa công trường”, ngăn không cho xe chở nguyên vật liệu và lao động ra vào tỉnh, thành… gây ắc tách cho sản xuất.

 

Chính vì thế, đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà xét, dỡ bỏ ngay các quy định bất hợp lý.

 

“Sau hoạt động của doanh nghiệp là tăng trưởng, là nguồn thu ngân sách, là công ăn việc làm và là nguồn bảo đảm an sinh, xã hội”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

 

Đại diện VCCI cũng đề nghị Chính phủ ban hành ngay danh mục các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị, để có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng các mặt hàng này được thông suốt.

 

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành, theo ông Lộc, các biện pháp đều hướng đến mục tiêu trọng tâm là “trợ giúp” chứ chưa cần “giải cứu” cho doanh nghiệp. Chủ yếu là các biện pháp giúp doanh nghiệp hạ được giá thành, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể cầm cự hay “ngủ đông”.

 

Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì kịch bản “giải cứu” sẽ được triển khai. Lúc đó, trọng tâm chính sách nên là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của nhà nước, để tránh đổ vỡ dây chuyền.

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm.

 

“Bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến thế nào, thì trong cuộc chiến này, sẽ có một bộ phận lớn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

 

Hương Dịu (Theo Báo Hải Quan)