Nguồn cung trong nước thiếu hụt khiến giá thịt lợn leo cao trong suốt thời gian qua. Nhập khẩu thịt lợn là giải pháp quan trọng bù đắp sự thiếu hụt này. Song, thịt nhập khẩu chưa thể tiếp cận rộng rãi tới người tiêu dùng vì nhiều lý do, trong đó có thói quen sử dụng.

Số liệu của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến ngày 7/4/2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 43.553 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo các chuyên gia con số này còn ít so với tổng nhu cầu nên chưa đủ sức chi phối thị trường trong nước vốn được xem là đã bị làm giá thời gian qua.

Theo bảng giá bán lẻ thịt heo đông lạnh từ Nga của Công ty TNHH Nhiêu Lộc cao nhất có sản phẩm thịt ba chỉ rút sườn với giá 98.000 đồng/kg, thịt ba chỉ lạng sườn 92.000 đồng/kg, nạc đùi heo 80.000 đồng/kg, nạc vai heo 77.000 đồng/kg, ba chỉ sườn và da 83.000 đồng/kg. Tuy nhiên, công ty nhập khẩu thịt chủ yếu bán cho các bếp ăn tập thể, chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp và một số trường học, khối lượng mua theo thùng.

thit lon nhap khau dang o dau
Người tiêu dùng vẫn ưa chuộng thịt lợn “tươi”

Còn theo bảng giá của AUVIET Foods, giá thịt mông sấn nhập khẩu hiện niêm yết ở mức 98.000 đồng/kg; sườn già 77.000 đồng/kg; sườn mềm 89.000 đồng/kg…, đây chỉ mới là bảng giá tham khảo thịt lợn đông lạnh nhập khẩu do công ty đề xuất. Nếu mua số lượng lớn mức giá sẽ ưu đãi hơn. Thực tế công ty này cho biết, chưa đưa thịt lợn đông lạnh nhập khẩu bán ra thị trường.

Trong khi đó, tại các khu chợ ở Hà Nội, thịt lợn dao động ở mức 130.000 – 180.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, mức thịt lợn phổ biến ở mức 200.000 – 250.000 đồng/kg. Với mức giá trên, thịt lợn nhập khẩu có giá rẻ hơn giá thịt lợn ở chợ truyền thống khoảng 30.000 – 50.000 đồng/kg tùy loại.

Mặc dù cơ quan chức năng vẫn nói là thịt lợn nhập khẩu đã về Việt Nam nhưng người tiêu dùng cũng chưa dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thịt nhập khẩu, thậm chí không biết bán ở đâu. Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại các siêu thị Vinmart, Coopmarrt, Big C… thịt lợn nhập khẩu “vắng bóng”, hoặc chỉ chiếm 1 – 2% lượng thịt tiêu thụ. Theo các siêu thị, bán cũng không có khách mua nên họ không nhập mặt hàng này.

Đại diện siêu thị Big C cho biết, hệ thống Big C miền Bắc không bán thịt lợn đông lạnh nhưng miền Nam có bán và số lượng ít dưới 1%. Còn theo đại diện hệ thống siêu thị MM (Mega Market), hiện nay, MM đang phân phối các sản phẩm chân lợn, thịt vai, sườn lợn xuất xứ châu Âu, châu Mỹ nhưng số lượng ít, chỉ chiếm 2%.

Theo ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, do thiếu quảng bá, thiếu hệ thống phân phối nên việc thịt lợn nhập khẩu khó tiêu thụ là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, nhiều tiểu thương ở chợ không mặn mà với thịt lợn nhập khẩu vì không có tủ đông. Mặt khác, do thói quen của người tiêu dùng thích ăn thịt lợn mới giết mổ nên mua thịt lợn đông lạnh có cảm giác không ngon. Thịt lợn nhập khẩu được bán nhiều ở thị trường miền Nam hơn miền Bắc là do phong cách tiêu dùng ở đây hiện đại hơn. Để có thể cạnh tranh, theo ông Vũ Vinh Phú, thịt lợn nhập khẩu giá phải chênh lệch từ 30 – 40% so với thịt nội. Bên cạnh đó, cần có hệ thống phân phối rộng khắp.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

Do số lượng thịt lợn nhập khẩu còn ít nên hầu như không bán trong siêu thị, chưa tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng mà chủ yếu cung cấp cho các đơn hàng đặt trước (thường ký kết từ 3 – 4 tháng), hoặc các khu công nghiệp, nhà hàng đã ký hợp đồng.

Nguyễn Hạnh  (https://congthuong.vn/)