Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải chịu thêm nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Song với tinh thần vượt khó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuẩn bị kế hoạch ứng phó, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn.
Nhiều giải pháp ứng phó đã được triển khai giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua khó khăn
Với tình hình hiện nay, các chuyên gia nhận định, Covid-19 đang tạo sức ép chưa từng có cho ngành bán lẻ. Theo đó, dịch bệnh đã gây ra sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng và cách vận hành của các doanh nghiệp bán lẻ.
Theo bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã thay đổi người tiêu dùng toàn cầu từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách họ tiêu dùng.
Trong một khảo sát của EY Future Consumer Index nhận thấy, 89% người tiêu dùng được khảo sát đang và sẽ thay đổi cách thức mua sắm, 76% đang và sẽ thay đổi cách lựa chọn sản phẩm và dịch vụ (SPDV), và tới một nửa (50%) có lẽ sẽ chỉ chi tiêu cho một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu.
“Do đó, những thay đổi này chắc chắn ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của các doanh nghiệp”, bà Đào Thị Thiên Hương khẳng định.
Ngoài ra, thay đổi cách vận hành doanh nghiệp cũng là một trong số những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang gặp phải. Vì vậy, không ít doanh nghiệp bán lẻ đã không trụ vững. Theo báo cáo từ S&P Global Market Intelligence, tính tới tháng 7/2020, đã có 40 nhà bán lẻ nộp đơn xin phá sản trong năm 2020 với công nợ lớn.
Dù khó khăn nhưng điều đáng mừng là trong giai đoạn, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó khi chủ động có các giải pháp tự giải cứu chính mình.
Theo đó, nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh;…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tái cơ cấu trên diện rộng, đồng thời áp dụng mô hình kinh doanh trên Internet để bù đắp phần nào chi phí.
Đơn cử, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Đông Phát Food đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thương mại điện tử để bán hàng thực phẩm trên online. Theo đó, các sản phẩm, thông tin sản phẩm mới liên tục được cập nhật trên website của công ty, để người tiêu dùng dễ dàng xem và lựa chọn.
“Mặc dù việc chuyển từ kinh doanh offline sang online có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tiếp cận khách hàng trong phạm vi rộng và xa hơn”, đại diện của doanh nghiệp này chia sẻ.
Không chỉ các doanh doanh nghiệp lớn, các tiểu thương bán lẻ cũng có giải pháp cho riêng mình. Đơn cử tại chợ Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh), nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương đã nhanh chóng bắt nhịp bằng việc đầu tư trang bán hàng online, tham gia các sàn thương mại điện tử và đầu tư thêm máy quẹt thẻ và dùng ví điện tử để giúp khách hàng thanh toán thuận lợi hơn.
Chia sẻ vấn đề này với báo chí, ông Lawrence Loh, Giám đốc Ngân hàng bán lẻ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đánh giá: Những ảnh hưởng chưa từng có về kinh tế, kinh doanh và xã hội của dịch Covid-19 nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của công nghệ đối với rất nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Phải đối mặt với gián đoạn việc kinh doanh vì Covid-19, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhanh chóng nhận ra công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt với họ.
“Dù là đang điều chỉnh mô hình kinh doanh hay chuyển đổi toàn bộ việc kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải thích ứng với những thay đổi từ đại dịch bằng cách chuyển hướng sang công nghệ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cũng như nội lực trong dài hạn”, ông Lawrence Loh khẳng định.
Bên cạnh vượt qua khó khăn, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp còn phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn.
Bởi, theo khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp khác; trên 50% doanh nghiệp thực hiện giãn công nợ cho doanh nghiệp đối tác; gần 50% doanh nghiệp thực hiện giảm giá…
Hương Giang (Theo Thời báo Ngân hàng)