Nhận định về tương lai số của ngành bán lẻ Việt Nam, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho hay, hiện nay là thời đại bùng nổ về internet và thương mại điện tử, chuyển đổi số chính là mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Cuộc CMCN 4.0 đang đặt các doanh nghiệp vào một cuộc đua “sinh tử”.
Doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ là những doanh nghiệp phải tham gia đầu tiên và rốt ráo vào cuộc đua chuyển đổi số, nếu như không muốn bỏ lại phía sau và chịu thất bại. Để hiểu sâu hơn về những bước đi của ngành bán lẻ trong thời đại chuyển đổi số, Phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam về vấn đề này.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam |
PV: Là người gắn bó lâu năm với ngành bán lẻ Việt Nam, bà nhận thấy xu hướng mua sắm của người dân đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Rõ ràng trong những năm gần đây xu hướng mua sắm của người dân đã thay đổi rất nhiều. Điều này càng thấy rõ hơn khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta. Rất nhiều người dân đã chọn giải pháp mua sắm online thay vì đi chợ hay siêu thị. Nhiều thống kê cho thấy số lượng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các cửa hàng, tỉ lệ bán online tăng gấp đôi thậm chí gấp ba so với trước. Xu hướng này, chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hiện Việt Nam có số người tiêu dùng ở độ tuổi trẻ, năng động, tiếp cận với công nghệ số rất nhanh trong khi số lượng thiết bị công nghệ hiện đại tại Việt Nam tăng mạnh. Đó là những dư địa tốt để thương mại điện tử và mua sắm online có thể bùng nổ trong thời gian tới.
PV: Để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ phải thích ứng ra sao, thưa bà?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Hiện nay là thời đại bùng nổ về internet và thương mại điện tử, chuyển đổi số chính là mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt các doanh nghiệp vào một cuộc đua sinh tử.
Doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực vượt khó trên con đường chuyển đổi số |
Nếu chậm chân và không kịp chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình trong tương lai. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng tạo thêm sức ép buộc các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đều phải chuyển mình. Bởi đây là một trong những ngành nghề chịu tổn thất nặng nề về doanh thu, chưa kể nhiều tác động tiêu cực khác.
Từ trước đến nay, doanh nghiệp bán hàng vẫn luôn giữ phương châm lấy khách hàng làm trung tâm. Điều này càng phải nhắc đến trong bối cảnh hiện nay, nhưng phải ở một góc nhìn mới mẻ hơn. Đó là phải dựa vào thế giới số, công nghệ số để tìm ra giải pháp hướng đến người tiêu dùng. Có thể là tăng trải nghiệm cho khách hàng để họ không chỉ mua được món đồ mà có thêm nhiều kiến thức thú vị khác khi mua sắm trực tuyến. Để làm tốt điều này thì làm thế nào để cá nhân hóa và địa phương hóa sản phẩm là những yếu tố cần chú trọng để thu hút người tiêu dùng ở tất cả lứa tuổi, thành phần và mọi nơi.
Việc chuyển đổi số được đánh giá là xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại thất bại do hiểu chưa đúng và chưa sẵn sàng về nguồn lực. Theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), có gần 95% doanh nghiệp ý thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, chỉ có 5,1% trả lời chưa hiểu biết và chưa có hành động gì liên quan tới chuyển đổi số. Song, có 84% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số và việc áp dụng công nghệ mới vào doanh nghiệp thường là thất bại. Điều đó đặt ra vấn đề nên bắt đầu từ đâu để có hành trình chuyển đổi số an toàn và hiệu quả và làm thế nào để chuyển đổi số thành công.
PV: Mới đây Chính phủ đã đồng ý phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (tiền di động – Mobile Money). Bà đánh giá gì về tác động của hoạt động này đối với mua sắm trực tuyến?
Việt Nam có một thị trường thương mại điện tử năng động, với số người sử dụng Internet và điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh qua các năm. Tuy hiện tại 80% các giao dịch thương mại điện tử vẫn theo hình thức COD (thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng). Chính điều này làm giảm sức hút và hiệu quả của thương mại điện tử. Vì thế tôi cho rằng thanh toán điện tử cần phải có những điều chỉnh, có những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
Hiện nay, đa số các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Lazada đều có tích hợp với dịch vụ thanh toán trực tuyến. Doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng phát triển nhiều hình thức thanh toán tiện ích như: thanh toán qua thẻ quốc tế, qua ví điện tử, chuyển khoản, quét mã, sử dụng thẻ tích điểm… Bên cạnh đó, đáng mừng là, gần đây tại nhiều sạp chợ, quán vỉa hè, cây xăng, …thanh toán điện tử cũng đã phát triển. Được sự ủng hộ của Chính phủ, chắc chắn thời gian tới hoạt động thanh toán điện tử sẽ phát triển hơn, từng bước giải được bài toán khó đối với thanh toán không dùng tiền mặt.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Minh Lê (https://petrotimes.vn)