Thương mại phi tập trung cho phép các nhãn hàng có thể thoát khỏi khuôn khổ của các sàn thương mại điển hình và đem đến những trải nghiệm mua sắm ảo hóa.
Dịch vụ mua sắm qua các “ứng dụng con” (mini program) hoạt động ngay bên trong phần mềm chat của Wechat báo hiệu một cuộc chuyển đổi lớn trong trị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc, và có thể là cả thế giới.
Thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc rất phát triển, với hơn một nửa dân số sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến và hệ thống giao hàng cực kỳ nhanh, thậm chí chỉ trong khoảng chưa đến 30 phút.
Tuy nhiên trên thực tế, hình thức mua sắm này vẫn tồn tại những khuyết điểm, đặc biệt đối với các thương hiệu lớn. Theo đó, các sàn thương mại điện tử càng có nhiều lượt khách hàng thì khả năng để các thương hiệu nổi bật là càng thấp, bởi vì quá trình lựa chọn và mua sắm chỉ dựa vào hình thức tìm kiếm sản phẩm, nghĩa là quyết định mua hàng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giá cả và sự tiện dụng.
Khi ấy những chiến lược tạo sự khác biệt của thương hiệu không còn nhiều ý nghĩa, và thương hiệu phải trả những khoản tiền cho sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng (hay còn gọi là tiền quảng cáo). Không chỉ vậy, khách hàng này cũng chưa phải là khách hàng của thương hiệu, mà nói chính xác hơn chỉ là khách hàng của sàn thương mại điện tử.
Cơ hội mới để thương hiệu nắm quyền kiểm soát
Thách thức này đã đưa đến một cơ hội mới, khi WeChat ra mắt các chương trình nhỏ với tên gọi Minishop. Minishop là kiểu ứng dụng không cần tải xuống và cài đặt, giá cả lại chỉ bằng một phần rất nhỏ so với nguyên bộ ứng dụng. Chỉ cần nhúng mini program vào WeChat, các thương hiệu có thể bắt đầu bán hàng qua WeChat (so với trước đây chỉ có thể trò chuyện).
Ứng dụng này tạo ra môi trường kinh doanh không khác gì các kênh bán hàng trực tiếp, khi người bán có thể kết nối với khách hàng, triển khai các chiến dịch, cung cấp thông tin về sản phẩm và trực tiếp bán hàng.
Theo Hootsuite, hơn 81.5% người dùng WeChat dành hơn một giờ đồng hồ trên ứng dụng này, và hơn ⅓ thời gian online của người Trung Quốc cũng dành cho WeChat. Điều này cho thấy WeChat là một mảnh đất tiềm năng cho các thương hiệu đang muốn quản lý và kiểm soát quá trình mua hàng của người tiêu dùng thông qua việc cung cấp những trải nghiệm sản phẩm giàu cảm xúc – tức tự bản thân thương hiệu thực hiện, thay vì phải trả tiền cho các sàn thương mại điện tử để xuất hiện trước mắt khách hàng.
Với khả năng cho phép thương hiệu vừa trò chuyện với khách hàng vừa bán sản phẩm, Minishop dự báo sẽ trở thành một cuộc cách mạng trong ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc, thậm chí là cả thế giới. Đó chính là thương mại điện tử phi tập trung, hay còn gọi là “lượng truy cập riêng tư”, nơi các thương hiệu có thể tạo ra một môi trường ảo khép kín và khác biệt để tự tổ chức – kết nối với khách hàng của chính họ.
Minishop là cầu nối giữa kinh doanh trực tiếp và trực tuyến (offline – online)
Ban đầu, các mini program của WeChat chỉ phục vụ mục đích ngắn hạn, thường là nâng cao trải nghiệm trong các cửa hàng thực tế. Đây là hình thức lý tưởng để kết nối việc kinh doanh trực tiếp và trực tuyến, cũng như xây dựng mối quan hệ với các khách hàng đã thể hiện sự quan tâm đến thương hiệu trước đó.
Giờ đây, các Minishop lại đem đến những lợi ích quan trọng trong hình thức thương mại phi tập trung. Khi ấy, thương hiệu có thể phân loại khách hàng thành từng nhóm để triển khai các tương tác phù hợp, giới thiệu sản phẩm qua các công nghệ như AR (thực tế tăng cường – là công nghệ cho phép mô tả trạng thái vật lý xung quanh con người tuy nhiên có chèn thêm các chi tiết ảo hóa nhờ điện thoại, máy tính hoặc các thiết bị khác ), khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm với bạn bè và người thân. Thói quen chia sẻ là một chiến lược quan trọng bởi người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng mua hàng dựa trên những gợi ý từ người mua trước.
Thương mại phi tập trung mở ra kỷ nguyên ảo hóa
Thương mại phi tập trung cho phép các nhãn hàng có thể thoát khỏi khuôn khổ của các sàn thương mại điển hình và đem đến những trải nghiệm mua sắm ảo hóa, từ đó kết nối trải nghiệm mua sắm tại nhà và tại cửa hàng.
Chẳng hạn một thương hiệu mỹ phẩm có thể xây dựng Minishop tích hợp công nghệ AR cho phép khách hàng xem thử sản phẩm áp lên mặt sẽ trông như thế nào. Hoặc thương hiệu có thể vừa tư vấn cho nhóm khách hàng với quan điểm làm đẹp truyền thống, vừa cung cấp các bài hướng dẫn trang điểm cho những người mới sử dụng mỹ phẩm.
Rõ ràng, các nền tảng thương mại điện tử truyền thống không thể cung cấp cho thương hiệu mức độ cá nhân hóa cao cấp như vậy, trong khi đây chính là chìa khóa để thương hiệu có thể lôi kéo khách hàng (chẳng hạn cho phép khách hàng thử sản phẩm mới hoặc các sản phẩm cao cấp hơn). Ở khía cạnh này, các Minishop không chỉ là nền tảng quản lý quan hệ khách hàng, mà còn giúp thương hiệu triển khai các chiến dịch và xây dựng những tiêu chuẩn cho sản phẩm chủ lực.
Chuẩn bị cho tương lai thương mại phi tập trung
Sự thay đổi trong thương mại điện tử của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến các nước phương Tây chú ý, đặc biệt trong việc thương hiệu có thể đạt được thành tựu gì khi kết hợp mạng xã hội và kinh doanh. Trên thực tế, sự kết hợp này đã từng diễn ra, chẳng hạn những nội dung bán hàng trên Instagram hoặc các nhóm Facebook các thương hiệu xây dựng riêng. Tuy nhiên, các nền tảng này vẫn thiếu phương thức thanh toán, do đó người dùng bắt buộc phải rời khỏi ứng dụng nếu muốn hoàn tất quá trình mua sắm.
Nếu các Minishop phát triển và trở thành kênh mua bán phổ biến cho cả người bán và người tiêu dùng, thì rất có thể những sàn thương mại điện tử truyền thống sẽ nhanh chóng thích ứng bằng cách chia sẻ một phần dữ liệu cho người bán, hoặc cho phép người bán tự xây dựng các nền tảng phi tập trung tương tự. Nếu điều thứ hai xảy ra, thì đó chính là tương lai cực lý tưởng cho cả thương hiệu và người tiêu dùng.
Hải Vy (Theo Enternews)