Walmart, tập đoàn sử dụng nhiều lao động nhất thế giới hiện nay với hơn 2,1 triệu nhân viên trên toàn cầu, đã có một bước phát triển đáng nể ở thị trường châu Á trong chưa đầy hai thập niên. Tại đây, Walmart có doanh số hằng năm hơn 16 tỉ USD và sử dụng 140.000 nhân viên.
Dự báo trong năm năm tới, số siêu thị của Walmart tại châu Á sẽ tăng lên gấp đôi. Tạo được một quy mô và tốc độ tăng trưởng ấn tượng như thế có sự đóng góp không nhỏ của chiến lược quản trị nhân sự. Walmart cũng nhận được nhiều giải thưởng trong những năm gần đây như Nhà tuyển dụng tốt nhất Trung Quốc, một giải thưởng của Hiệp hội Quản lý nhân sự Quốc tế, Công ty Bán lẻ có môi trường làm việc tốt nhất và Giải thưởng Sáng tạo trong ngành bán lẻ…
“Khả năng thu hút, giữ lại và phát triển những nhân tài hàng đầu, làm động lực cho sự phát triển là một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi ở châu Á, nhất là với một nền văn hóa đa dạng ở khu vực này cũng như những kiến thức chuyên môn và kỹ năng đặc thù mà chúng tôi cần tìm kiếm ở người lao động và tốc độ tuyển dụng nhân sự rất nhanh mà chúng tôi cần phải chạy theo để đáp ứng cho sự tăng trưởng về quy mô hoạt động tai đây”, Scott Price, Tổng giám đốc điều hành (CEO) kiêm chủ tịch của Walmart châu Á, chia sẻ.
Tăng cường hợp tác với các đối tác cung cấp nguồn lao động
Theo kế hoạch, trong năm năm tới, Walmart cần phải tăng số nhân viên ở khu vực châu Á lên gấp đôi và họ đang sử dụng nhiều kênh khác nhau để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng này. “Chúng tôi đang tích cực hợp tác với các trường đại học và cao đẳng, thu hút và cung cấp việc làm cho hàng ngàn sinh viên mới tốt nghiệp mỗi năm, trang bị cho họ các khóa đào tạo và thực tập để tìm hiểu thực tế.
Chúng tôi cũng có cơ hội tuyển dụng các nhà lãnh đạo trẻ quốc tế thông qua chương trình hợp tác với AIESEC – một tổ chức thanh niên toàn cầu. Các kênh tuyển dụng này giúp chúng tôi thu hút nhân tài từ hơn 110 quốc gia và cung cấp cho họ các khóa thực tập tại văn phòng Walmart châu Á, sau đó chính thức nhận họ vào làm việc tại các thị trường ở khu vực này”, Price cho biết.
Walmart cũng đang áp dụng một trong những cách hiệu quả nhất để thu hút nhân tài là thông qua quảng bá truyền miệng của các nhân viên hiện tại.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và cởi mở
Gần đây, Walmart đã bổ nhiệm Rosalind Brewer vào vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ Sam (Sam’s Club), đưa cô trở thành một nhà lãnh đạo nữ có vị trí cao nhất trong lịch sử của công ty và là một trong ba vị trí lãnh đạo cao cấp nhất sau CEO.
“Do 80% trong số 200 triệu khách hàng mua sắm ở các siêu thị của Walmart trên toàn cầu mỗi tuần là phụ nữ, chúng tôi rất chú trọng đến việc đưa phụ nữ nắm những vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của công ty. Và chiến lược này đã đem lại nhiều kết quả đáng kể ở châu Á. Hiện nay khoảng 30% nhà lãnh đạo của Waltmart tại các văn phòng hội sở và gần 60% nhân viên của công ty ở khu vực này là phụ nữ”, Price chia sẻ.
Sự đa dạng trong nguồn nhân lực ở Walmart không chỉ dừng lại ở góc độ giới tính mà còn ở trong các quan điểm và môi trường làm việc cởi mở của tập đoàn này. Tại đây, tất cả các kiến nghị, các quan sát hay các vấn đề của nhân viên luôn được ban giám đốc quan tâm. “Chúng tôi thực thi chính sách mở cửa ở tất cả các thị trường. Bất cứ nhân viên nào cũng có thể nhấc điện thoại lên và nói chuyện với bất cứ nhà lãnh đạo cấp cao nào trong công ty”, Price cho biết.
Walmart cũng tạo điều kiện để người lao động khuyết tật có cơ hội phát triển nghề nghiệp ở công ty. Chẳng hạn, Walmart Trung Quốc hiện đang sử dụng 1.080 lao động khuyết tật. Walmart Nhật Bản cũng có 418 nhân viên thuộc dạng này.
Sử dụng nhân tài địa phương
Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là ba thị trường lớn của Walmart mà đội ngũ nhân sự ở đó khá đa dạng. Ở Ấn Độ, 47% dân số dưới 20 tuổi, thương mại di động đang phát triển rất mạnh, thậm chí qua mặt cả thương mại điện tử. Trong khi đó ở Nhật Bản, hơn một phần ba dân số sẽ bước vào độ tuổi trên 60 vào năm 2020. Người tiêu dùng ở nước này ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài chính của mình.
Nhu cầu của người lao động ở các nước cũng không giống nhau. Các nhân viên ở Ấn Độ là những người có tinh thần doanh nghiệp rất cao và luôn mong muốn đạt mức tăng trưởng trên 200% mỗi năm. Trong khi đó, ở Nhật có nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ hơn. Còn Trung Quốc lại là thị trường lâu năm nhất của Walmart với hơn 15 năm hoạt động.
Xuất phát từ một môi trường kinh doanh đa dạng như thế, Price rất tâm huyết với việc theo đuổi chính sách “glocalised” (địa phương hóa hoạt động kinh doanh toàn cầu). “Là một công ty bán lẻ đa quốc gia, kể từ khi mới được thành lập vào năm 1962 chúng tôi luôn mong muốn đem các giá trị đã được hình thành và phát triển cùng công ty đến với các thị trường địa phương.
Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng văn hóa của chúng tôi cần được thích nghi với nền văn hóa địa phương và xem trọng vấn đề động viên đội ngũ nhân viên đang làm việc hằng ngày ở từng thị trường”, Price chia sẻ. Chẳng hạn, 99,9% nhân viên của Walmart Trung Quốc hiện nay là người địa phương.
Phát triển đội ngũ lãnh đạo
Đây luôn được xem là phần không thể thiếu trong chiến lược quản lý nhân tài ở Walmart. Họ đang áp dụng các chuẩn mực quốc tế về phát triển lãnh đạo cho ngành bán lẻ ở châu Á, thành lập các viện nghiên cứu cung cấp các chương trình phát triển lãnh đạo, trong đó có Viện Walton – một môi trường nghiên cứu mang tính hàn lâm để các nhà quản lý có thể theo đuổi các chương trình bổ sung kiến thức. “Từ khi viện được thành lập vào năm 1985, trên 29.000 nhà quản lý Walmart đã được tham dự gần 700 lớp học tại nhiều nước trên thế giới”, Price cho biết.
Walmart châu Á cũng đã thành lập Viện Lãnh đạo toàn cầu đầu tiên vào tháng 6-2011, dành cho các nhà lãnh đạo của tập đoàn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và văn phòng vùng tại Hongkong.
Ngoài ra, còn có Trung tâm Đánh giá lãnh đạo, Chương trình Phát triển lãnh đạo cấp cao, hay các chương trình Lãnh đạo kinh doanh giúp học viên phát triển các năng lực cần thiết nhằm đáp ứng các nhu cầu trong kinh doanh, phát triển chiến lược và định hướng hoạt động kinh doanh, củng cố các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp…
Hội nghị bàn tròn Chủ tịch là một diễn đàn khác tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo cấp cao bàn về các hoạt động kinh doanh mang tầm chiến lược. “Chúng tôi có rất nhiều cơ hội tăng trưởng. Và chúng tôi cần có những nhân viên và các nhà lãnh đạo tài năng để tăng trưởng vững mạnh. Làm thế nào để tìm kiếm, đào tạo và động viên hàng chục ngàn nhân sự mới trong khu vực mỗi năm luôn là điều khiến tôi phải suy nghĩ”, Price chia sẻ.
Theo HRM Asia/Doanhnhanplus