Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng xét về mặt dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển.
Kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng do Vietnam Report tiến hành cho thấy, với các nhu yếu phẩm, nếu như trước đại dịch, người dân sẽ lựa chọn đi chợ theo các thứ tự ưu tiên lần lượt là chợ truyền thống, trung tâm thương mại và siêu thị rồi mới tới các cửa hàng tiện lợi thì nay họ sẽ chọn trước tiên là các cửa hàng online, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và siêu thị.
Trong khi đó, nhóm mặt hàng không phải thiết yếu lại được ghi nhận sự tăng trưởng đột biến qua các kênh bán hàng online. Chính vì nắm bắt được hành vi tiêu dùng này, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích (app) bán hàng đồng thời tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy việc tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử.
Một xu hướng khác của ngành bán lẻ là mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, có thể cũng là lĩnh vực sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới đây.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh kém, có nhu cầu vốn lớn. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với các đối tác cùng ngành nghề để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý tiên tiến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống và kinh nghiệm thương trường nên dễ giành thị phần thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Mặc dù hoạt động mua bán – sáp nhập có thể sẽ giúp hai bên tham gia đều thu về lợi ích song lợi thế có thể sẽ nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.
Công nghệ không chạm và thanh toán linh hoạt (không dùng tiền mặt) cũng đã và đang trở thành xu hướng và một phần quan trọng của ngành bán lẻ hiện đại. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình siêu thị mini sẽ là một xu hướng của ngành bán lẻ hiện đại.
https://vtv.vn/kinh-te/