Trước giờ giãn cách, giá thực phẩm ngoài chợ tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với bình thường, nhiều người dân vẫn chấp nhận mua để dự trữ.
Giá tăng 2-3 lần ngày thường
Trước thông tin công bố áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố, nhiều người dân TPHCM đã tranh thủ đi mua sắm lương thực, thực phẩm để dự trữ trong thời gian giãn cách. Tâm lý mua tích trữ vì sợ thiếu lương thực vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay, dù Sở Công thương và nhiều siêu thị lớn đã khẳng định chuẩn bị rất nhiều hàng hóa phục vụ người dân.
Sáng 8/7, anh Hùng (ngụ trên đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình) tranh thủ ra chợ gần nhà từ sớm để mua thực phẩm cho gia đình. Tuy nhiên, những khu chợ gần nhà hôm nay đều đã đóng cửa, ngừng hoạt động.
“Hai chợ gần nhà đóng cửa hết rồi, chỉ còn những người bán lẻ ở ngoài nên giá cao lắm. Rau muống giá tới 30.000 đồng/kg, cà rốt 40.000/kg. Hỏi giá xong tôi quay xe luôn” – anh Hùng kể và nói tuy giãn cách toàn thành phố nhưng siêu thị vẫn còn mở cửa nên mai sẽ ra siêu thị mua đồ.
Từ chiều 7/7, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đã tạm ngưng hoạt động. Các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi nhanh chóng “sạch” nhiều loại rau củ, thịt cá, hải sản…
Một số chợ dân sinh vẫn còn hoạt động, người dân chen nhau mua thực phẩm về dự trữ mặc cho giá cả của các mặt hàng này tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Phụng (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ “rau củ giá đang trên trời” do nhiều người bán lợi dụng lúc dịch để nâng giá bán.
“Mình cần phải chấp nhận thôi chứ biết làm sao. Giá ở trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì bình ổn nhưng mà sạch trơn rồi, còn gì để mua nữa đâu” – bà Phụng nói.
Chị Anh – một người giữ xe tại chợ Bà Chiểu – cho rằng, giá rau củ tại chợ tăng cao do người bán nhập hàng với giá cao hơn ngày thường. Việc giá bán được đẩy lên cao là điều đương nhiên và có thể thông cảm được.
Theo chị Anh, từ chiều 7/7, rất nhiều người dân đến chợ chen chúc, tranh nhau mua từng món thực phẩm vì sợ chậm sẽ hết hàng.
“Chiều hôm qua đến sáng nay là đông dữ trời lắm! Tới trưa thì vắng rồi, sợ là chiều nay chợ cũng không còn gì để mua nữa đâu” – người phụ nữ giữ xe ngoài chợ kể.
Theo chị Anh, chợ Bà Chiểu không đóng cửa nên người dân có thể ăn ngày nào mua ngày đó, không cần hoang mang mua nhiều về dự trữ đâu. Chị nhận định có thể sau 2, 3 ngày nữa giá sẽ giảm vì người dân được giải tỏa tâm lý.
“Tôi muốn mua cho chắc”
Theo ghi nhận của PV Dân trí sáng 8/7, một số khu chợ còn hoạt động đón nhiều người đến mua hàng. Giá thực phẩm có nơi tăng thêm khoảng 20-30%, có những mặt hàng tăng đến gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường.
Cụ thể, bắp cải 45.000 đồng/kg, dưa leo 35.000 đồng/kg, chanh tươi 35.000 đồng/kg, cà rốt 40.000 đồng/kg, cà chua 50.000 đồng/kg (tăng gấp đôi so với ngày thường), khổ qua 60.000 đồng/kg (tăng gấp 3), hành lá 70.000 đồng/kg (nhiều nơi không bán số lượng ít, chỉ bán từ nửa kg trở lên)…
Với các thực phẩm như thịt, hải sản, không chỉ tăng giá mà nguồn hàng có phần khan hiếm.
Trưa 8/7, hầu hết các chợ trên địa bàn quận Bình Thạnh đều đã “vắng bóng” các loại hải sản, những sạp thịt “cháy hàng”.
Cụ thể, giá thịt gà 100.000/kg, thịt heo dao động từ khoảng 160.000 – 230.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò 250.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại, tôm sú giá dao động từ 300.000 – 435.000 đồng/kg…
Tuy giá thực phẩm trong thời điểm trước giờ giãn cách tăng nhiều nhưng người dân vẫn mua về dự trữ để đảm bảo thức ăn cho gia đình trong những ngày “đóng cửa cài then” chống dịch.
“Tôi ở một mình mà cũng tốn gần cả triệu đồng để mua thực phẩm về dự trữ. Nghe nói siêu thị vẫn được hoạt động trong thời gian giãn cách nhưng tôi lo mọi người mua nhiều quá, nguồn hàng không đáp ứng kịp, mấy ngày tới thành phố giãn cách không thể mua được nên tôi mua cho chắc, mấy ngày tới có giãn cách, không được ra ngoài cũng yên tâm hơn” – Minh Thư (24 tuổi, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) nói.
Chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TPHCM – cho biết hiện thành phố có 106 siêu thị chuyên kinh doanh thực phẩm; 112 cửa hàng chuyên kinh doanh thịt gia súc – gia cầm; hơn 2.400 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và hơn 28.700 cửa hàng bách hóa có bán lương thực, thực phẩm.
Thành phố có 237 chợ truyền thống. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã có 127 chợ tạm ngừng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức.
Trước việc hàng loạt khu chợ, siêu thị, cửa hàng bị tạm ngừng hoạt động, giá cả một số mặt hàng đã tăng khoảng 15% so với trước.
“Những ngày qua, một bộ phận người dân đổ xô đi mua thực phẩm dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ trong quá trình cung ứng trong khoảng thời gian ngắn”, ông Vũ nói và cho hay ngành Công Thương đã làm việc với các chuỗi cung ứng để tăng cường lượng hàng hóa phục vụ người dân mua sắm.
“Người dân không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt hàng hóa, bởi nguồn cung của các siêu thị, cửa hàng, chợ rất dồi dào. Thành phố đã vận hành chương trình bình ổn giá nhiều năm qua, vì vậy, giá cả sẽ luôn ổn định”, ông Vũ khẳng định.
Thư Quỳnh (dantri)