Để hỗ trợ, giúp đỡ những người lao động gặp khó khăn, công nhân mất việc làm, sinh viên nghèo do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những siêu thị mini 0 đồng đã ra đời.
Xách theo 2 túi đồ đầy ắp gạo, rau, củ, quả, bà Phan Thị Phương, 65 tuổi (Lào Cai) không giấu nổi xúc động. Bởi từ khi Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội, mọi nguồn thu của bà đều quay về con số 0. Trong khi đó, hàng ngày bà vẫn phải trả tiền nhà, sinh hoạt phí, mua thức ăn.
“Tôi xuống Hà Nội làm thuê từ năm 2015, 2 năm đầu thì đi trông trẻ, sau đó, tôi đi buôn sắt vụn và làm công việc rửa bát thuê cho một quán ăn. Nếu không có dịch, mỗi tháng, tôi cũng kiếm được 3 – 4 triệu đồng, trừ hết các khoản vẫn còn dư một chút để gửi về quê”, bà Phương nói.
Sau khi được tổ dân phố, phường thông báo phát phiếu đi siêu thị mini 0 đồng, bà Phương vui mừng khôn xiết. Ngay từ sáng sớm, bà đã tới địa điểm, ngồi xếp hàng và chờ tới lượt đi mua hàng.
Bà cho biết mỗi chiếc phiếu có giá trị là 400.000 đồng nên bà sẽ lựa các đồ bán ở siêu thị, làm sao tính vừa tròn số tiền. Hôm nay, bà chọn mua gạo, rau, miến, trứng và một số gia vị như nước mắm, muối, mì chính. Số hàng này có thể giúp cho bà 1 – 2 tuần tới không cần đi chợ.
Khi được nhân viên trong siêu thị hỏi “Chị muốn lấy trứng hay xúc xích”, chị Triệu Thanh Vân không ngần ngại đáp “Cho tôi mua xúc xích đi, con gái tôi thích ăn xúc xích”.
Khi câu nói ấy vang lên, một góc siêu thị bỗng im lặng, bởi mọi người ai nấy cũng đều xúc động trước lời đề nghị. Chị Vân là một người khuyết tật, sống cùng với cô con gái nhỏ ở một căn nhà thuê trên phố Định Công (Hà Nội).
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị phải rau cháo qua ngày nuôi con. Thi thoảng không còn tiền, chị phải nhờ gia đình cứu trợ. Hơn một tháng nay, cửa hàng sửa quần áo của chị không có khách. Đồng nghĩa, mọi nguồn thu từ cửa hàng đều bị cắt hết, chỉ trông chờ vào số tiền hỗ trợ dành cho người khuyết tật chị được nhận.
“Con gái tôi năm nay mới học lớp 3. Cháu đang tuổi ăn, tuổi học nên cần nhiều khoản chi phí lắm. Trước dịch, mẹ con tôi còn trông vào cửa hàng, chứ bây giờ chỉ biết cậy nhờ vào gia đình”, chị kể.
Chị Vân cho hay, sau khi biết thông tin về chương trình đi siêu thị 0 đồng, chị và con gái đã đến xếp hàng từ sớm, mong có thể mua được những nhu yếu phẩm, lương thực cần thiết cho 2 mẹ con.
“Con gái tôi thích ăn xúc xích lắm nên tôi mua cho con, vì lâu rồi, con cũng chưa được ăn. Nay cháu đi theo mẹ ngoan lắm, ngồi ở ghế tự chơi, đợi mẹ mua hàng. Mới bé tí tuổi nhưng đã hộ mẹ được nhiều việc như cắm cơm, quét nhà, nhặt rau, rửa bát”, chị Vân nghẹn ngào nói.
Vừa xếp hàng túi, vừa cảm ơn nhân viên siêu thị, bà Lê Thị Mai, 78 tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hôm nay, bà chọn được rất nhiều đồ, đặc biệt là rau xanh và hoa quả. Gia đình thuộc diện là nhà có công với cách mạng nên hôm nay bà cũng được phường phát phiếu đi siêu thị 0 đồng.
“Tuổi tôi đã cao nên hiện tại là ở với con cháu, nhà tôi thực hiện phòng dịch Covid-19 tốt lắm. Mọi người đều ở nhà hết, chỉ ra ngoài mua đồ ăn hay thực sự cần thiết thôi. Nay tôi thuộc diện được đi nên mới ra ngoài đó”, bà Mai kể.
Theo thông tin từ ban tổ chức, chương trình siêu thị mini 0 đồng sẽ kéo dài trong 5 ngày, với thời gian hoạt động từ 8h30 đến 17h hàng ngày tại nhà văn hóa số 2 Đại Từ (Hà Nội).
Ban Tổ chức sẽ tặng hơn 1.000 phiếu mua hàng cho những người lao động tự do, thuê trọ, công việc không ổn định và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, bệnh tật, neo đơn.
Nói với Dân trí, ông Phạm Đình Đoàn, đại diện cho đơn vị tổ chức siêu thị mini 0 đồng cho biết đơn vị quyết tâm triển khai siêu thị mini 0 đồng với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ được nhiều nhất có thể những hoàn cảnh khó khăn, những người đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. “Chính vì vậy, chúng tôi cũng chia thành nhiều nhóm đối tượng để hỗ trợ như: lao động tự do, phụ nữ, công nhân mất việc, sinh viên đang mắc kẹt trong các khu ký túc xá và một số nhà trọ”, ông Đoàn nói.
Chia sẻ thêm, ông Trần Hữu Đông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, đơn vị đồng hành cùng siêu thị mini 0 đồng cho biết siêu thị mini 0 đồng là chương trình có ý nghĩa nhân văn rất cao, là điểm nhấn để lan tỏa, chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Ông Đông chia sẻ thực sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh bà con được tự tay chọn những món đồ thiết yếu mang về cho gia đình mình, giúp đỡ được phần nào đó cho gia đình vượt qua đại dịch.
Hoàng Dung (dantri)