Doanh thu của hệ thống WinMart+ nói riêng và WinCommerce nói chung đi ngang so với cùng kỳ. Masan đang đẩy nhanh việc mở rộng chuỗi và chuyển đổi mô hình các điểm bán lẻ để gia tăng hiệu quả.
Trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý I, Tập đoàn Masan công bố chuỗi bán lẻ WinCommerce đạt doanh thu thuần 7.297 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ 2021. So với thời điểm quý I/2021, hệ thống bán lẻ của Masan đã có thêm gần 500 cửa hàng. Như vậy, doanh số bình quân tại mỗi điểm bán của WinCommerce giảm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, 124 siêu thị WinMart đạt doanh số tổng cộng hơn 2.500 tỷ đồng trong quý I, giảm 5% so với cùng kỳ 2021. Theo thống kê của Masan, các siêu thị độc lập đang hoạt động hiệu quả hơn so với những điểm nằm trong các trung tâm mua sắm của Vincom Retail.
Dù doanh số bình quân trên mỗi điểm bán chững lại, biên lợi nhuận gộp của WinCommerce lại tăng mạnh, cao hơn 4% so với cùng kỳ 2021. Lãnh đạo Masan cho biết đội ngũ mua hàng đã đàm phán với hơn 1.000 nhà cung cấp trong năm ngoái, giúp gia tăng biên lợi nhuận của chuỗi bán lẻ này, đồng thời tối ưu chi phí hậu cần, logistics.
Nhờ đó, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của hệ thống bán lẻ thuộc Masan đạt 2,2% trong quý I, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2021 nhưng thấp hơn quý liền trước.
Trong năm nay, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dự kiến mở mới 1.000 siêu thị mini trên toàn quốc. Sau 4 tháng đầu tiên, Masan cho biết đã đưa thêm 200 điểm bán đi vào hoạt động.
CEO Masan Group Danny Le tại đại hội thường niên mới đây cho biết các cửa hàng theo mô hình trung tâm mua sắm mini (mini mall), nơi điểm bán WinMart+ tích hợp thêm các dịch vụ cà phê, trà sữa, tài chính, dược phẩm, viễn thông đang trả về kết quả khả quan với lưu lượng khách hàng trung bình cao hơn 30% so với cửa hàng thông thường, doanh thu để đạt điểm hòa vốn cũng giảm từ 25 triệu đồng/ngày xuống dưới 14 triệu đồng/ngày.
Tập đoàn này xác định mô hình mini mall sẽ là át chủ bài để gia tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi bán lẻ, hướng tới đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng chứ không chỉ dừng lại ở các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Với mảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (Masan Consumer Holdings), doanh thu đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ 2021. Một số ngành hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh gồm thực phẩm tiện lợi tăng 35%, thịt chế biến tăng 58%.
Trong khi đó, công ty Masan MeatLife ghi nhận doanh số giảm 80% so với quý I năm trước còn 931 tỷ đồng. Nguyên nhân là cuối năm ngoái, Masan đã bán lại mảng thức ăn chăn nuôi và doanh số hiện tại chỉ còn đến từ mảng thịt. Đại diện doanh nghiệp cho hay trong quý I, lượng thịt heo bán ra tăng nhưng giá thịt trên thị trường xuống thấp. Công ty dự báo giá thịt heo đã đi vào vùng ổn định và sẽ tăng về cuối năm do tác động của lạm phát.