Tối 27/2, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo báo chí khẳng định không xem Bitcoin là tiền tệ cũng như phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đây là phản ứng đầu tiên của ngân hàng trung ương đối với đồng tiền ảo này.

Trước đó hai ngày, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất nhì thế giới Mt Gox bất ngờ đóng cửa, khiến giới đầu tư trong đó có cả ở Việt Nam, thiệt hại hàng trăm triệu USD.

Biểu đồ giá Bitcoin trong 6 tháng vừa qua

Đa số những người đang nắm giữ Bitcoin hoặc tham gia cộng đồng này trong nước tỏ ra không quá lo lắng trước những tin tức nêu trên. “Trước đó, cũng đã có một số nước đã tuyên bố chấp thuận Bitcoin, nhưng cũng có nhiều nơi không công nhận. Do đó, chúng tôi cũng xác định trước rằng mình buôn bán Bitcoin sẽ không được pháp luật bảo vệ và có rủi ro”, một người đào Bitcoin chuyên nghiệp cho biết.

Anh Bùi Huy Kiên, chủ công ty đầu tiên tuyên bố chấp nhận thanh toán quảng cáo bằng Bitcoin cho biết sẽ có điều chỉnh nhất định. Trước đây anh trưng dòng chữ “Chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin” lên diễn đàn của mình, bây giờ sẽ đổi thành “Chấp nhận Bitcoin”, như là hàng đổi hàng.

Bitcoin vẫn được giao dịch tại một quán cà phê ở Hà Nội

Còn tại một quán cà phê chấp nhận Bitcoin ở Hà Nội, chủ quán khẳng định không hạ biển “Bitcoin accepted here” (Ở đây nhận Bitcoin) xuống vì việc nhận đổi cốc cà phê bằng đồng này không phạm pháp.

Anh Vương – một người am hiểu về Bitcoin nhận định quan điểm của cơ quan quản lý sẽ ảnh hưởng nhiều nhất những người muốn xây dựng Bitcoin thành một phương tiện thanh toán. Khi đó, những người đang muốn dùng Bitcoin để mua dịch vụ, sản phẩm sẽ trở nên ngần ngại.

“Dẫu vậy, kể cả cấm trong nước, cơ quan quản lý cũng khó mà kiểm soát được”, anh Vương nói thêm. Thực tế hiện nay, nhà đầu tư Việt chủ yếu mua bán, giao dịch Bitcoin trên các sàn ở nước ngoài. Một số sàn lớn mà nhà đầu tư Việt đang tham gia giao dịch là Btc-e, Cryptsy, Bitfinex hay Localbitcoins…


Một quán cà phê chấp nhận Bitcoin xuất hiện ngay trung tâm Hà Nội

Giới chuyên gia trong nước đang có ý kiến trái chiều về tương lai của Bitcoin sau động thái của Ngân hàng Nhà nước. Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh, giảng viên khoa Thương mại Điện tử – Đại học Thương mại cho rằng Bitcoin ở Việt Nam phát triển không chính thống, lại ảo về giá trị nên khó có thể lan rộng trong cộng đồng. Theo ông, trào lưu này sẽ lắng xuống khi các quy định chính thức được đưa ra. “Nếu muốn ủng hộ thương mại điện tử Việt Nam hiện đại, tôi nghĩ cần ưu tiên phương thức giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt hoặc các phương tiện có sẵn khác được Ngân hàng Nhà nước thừa nhận”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ngược lại, một chuyên gia về thương mại điện tử khác lại nhận định với nguyên tắc ngang hàng giữa người chơi với nhau thì không chỉ Bitcoin mà các đồng tiền ảo, điện tử khác như Litecoin, WMZ… sẽ tồn tại và khó có thể xóa sạch do chúng mang lại cơ hội lướt sóng cho một bộ phận người dùng Internet.

Theo: Techz.vn/NĐT