Ngành bán lẻ Đức cảnh báo nguy cơ 16.000 cửa hàng ở nước này có thể phá sản trong năm nay vì cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ tại quốc gia châu Âu.
Der Spiegel cuối tuần qua dẫn thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE) đưa tin, khoảng 16.000 cửa hàng ở Đức đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do chi phí năng lượng tăng cao.
HDE đã viết thư cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck để nhấn mạnh, “chi phí năng lượng tăng bùng nổ” đang khiến ngày càng nhiều nhà bán lẻ khó xoay sở. HDE gọi đây là tình huống “đe dọa hiện hữu” và cảnh báo “xu hướng tiêu cực” có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023.
HDE nói rằng, việc giá năng lượng ở Đức tăng trung bình 147% kể từ đầu năm đang khiến các nhà bán lẻ không thể kiếm được lợi nhuận. Tỷ trọng chi phí điện trong sản lượng bán hàng của các nhà bán lẻ đã đạt trung bình gần 3% và nhiều người trong ngành dự đoán con số này sẽ tăng lên 5% vào năm 2023.
Theo Chủ tịch HDE Josef Sanktjohanser và Giám đốc điều hành Stefan Genth, lợi nhuận thu được trong nhiều lĩnh vực bán lẻ hiện nay đã rất thấp. Trong trường hợp quần áo, lợi nhuận hoạt động tính theo phần trăm doanh thu là 2,1%, trong khi đối với giày dép hiện là -1,2%. Ngay ở mảng thực phẩm, con số này cũng chỉ ở mức 2-4%.
HDE cho biết, tình hình này sẽ đặt rất nhiều công ty rơi vào tình thế bất lợi. Với việc sức mua của các hộ gia đình giảm sút và lạm phát tăng kỷ lục, các nhà bán lẻ sẽ không thể chuyển chi phí này tới người tiêu dùng. HDE kêu gọi chính phủ Đức can thiệp bằng cách tạm thời hạn chế thuế quan và cắt giảm thuế điện xuống mức tối thiểu.
Hồi tháng 8, Phó thủ tướng Habeck thừa nhận, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine từ ngày 24/2.
Châu Âu trong thời gian qua đã kích hoạt hàng loạt biện pháp nhằm chống đỡ trước cuộc khủng hoảng năng lượng sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt giá rẻ từ Nga. Tuy nhiên, nguồn cung từ Nga liên tục giảm đã khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa có lối thoát.