Ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định rằng FTA VIFTA sẽ mang tới cơ hội hợp tác cho ngành bán lẻ Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) được chính thức ký kết ngày 25/7/2023 và được cộng đồng các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mang tới những cơ hội mới về hợp tác giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Đối với ngành bán lẻ, FTA này cũng được kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực và thổi làn gió mới cho doanh nghiệp trong ngành này.
Dự báo quy mô của thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 |
Cụ thể, Israel được biết đến là cường quốc về sự đổi mới sáng tạo, với hơn 500 công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ bán lẻ, cung cấp giải pháp cho các ứng dụng trên phạm vi rộng, từ hậu cần chuỗi cung ứng đến trải nghiệm của người tiêu dùng tại cửa hàng. Đây cũng là lý do trong những năm gần đây, các công ty đa quốc gia như Nike, Alibaba và Walmart đang ngày càng quan tâm đến các giải pháp đến từ Israel.
Chính vì thế khi FTA VIFTA được ký kết ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên Hiệp hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đánh giá sẽ có 2 khía cạnh tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ Việt Nam.
Thứ nhất, về mặt công nghệ – các đơn vị bán lẻ sẽ có nguồn cung cấp công nghệ trình độ cao từ phía Israel. Từ đó sẽ ứng dụng trực tiếp vào quá trình điện toán hóa, số hóa cho các dịch vụ bán lẻ của Việt Nam, đặc biệt là trong điều kiện thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Thứ hai, Isreal là quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là cái chúng ta có thể hợp tác để tạo điều kiện cho bán lẻ tiếp cận và giới thiệu công nghệ sản xuất cho các nhà sản xuất trong nước, từ đó tạo nguồn hàng với chất lượng tốt hơn cho thị trường.
Trên thực tế, theo ông Nguyễn Anh Đức, từ trước khi Hiệp định này được ký kết thì các doanh nghiệp của Israel đã xúc tiến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác mở rộng trên lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Cụ thể là ngày 29/5 vừa qua phái đoàn Israel do ông Gal Saf – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Israel tại Việt Nam dẫn đầu đã làm việc với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR).
Tham tán Thương mại Israel làm việc với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam |
Tại buổi tiếp xúc này phía Israel đánh giá cao tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, đồng thời đề xuất Hiệp hội có kết nối chia sẻ thông tin thị trường cũng như cho họ tham gia vào Diễn đàn bán lẻ Việt Nam.
“Qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp Israel rất chủ động đón đầu cơ hội từ Hiệp định VIFTA và đây là cơ hội để ngành bán lẻ Việt Nam mở rộng hợp tác. Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội mà Hiệp định mang lại, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành liên quan để tăng cường sự kết nối với doanh nghiệp Israel. Hỗ trợ ở đây gồm việc tuyên truyền những thuận lợi mà Hiệp định mang lại và giúp các doanh nghiệp Việt tìm hiểu thị trường Isarel. Bởi theo chúng tôi được biết thì quốc gia này cũng có mô hình hợp tác xã khá tương đồng với mô hình đang thực hiện tại Việt Nam”– ông Nguyễn Anh Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đang chủ động thực hiện các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nói chung và VIFTA nói riêng. Theo đó, Hiệp hội sẽ tổ chức hai sự kiện lớn gồm: Diễn đàn bán lẻ Việt Nam (diễn đàn nhằm chia sẻ xu hướng bán lẻ thế giới và khu vực, các loại hình dịch vụ, công nghệ, sáng tạo, giải pháp hiện đại phục vụ bán lẻ) và Diễn đàn hợp tác chiến lược liên quan hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa, gia công hàng nhãn riêng,… giữa Việt Nam và các nước, trong đó có Israel.
Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Do đó thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp nội và ngoại. |