Trong thời đại kinh tế số, thương hiệu cùng với thông tin và nhân lực là ba loại tài sản có ý nghĩa quyết định tới thành công của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, một số thương hiệu lớn, phổ biến đã bị người khác đăng ký ở nước ngoài như mì ăn liền Vifon, bia Sài Gòn, cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột. Việc đòi lại quyền sở hữu những thương hiệu này rất khó khăn và tốn kém. Không chỉ có sự vi pham thương hiệu Việt ở nước ngoài mà ngay trong nước hành vi này cũng xuất hiện khá nhiều.
Theo thống kê năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 71.271 đơn đăng ký các loại, tăng 9% so với năm 2011. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia là 29.578 và 4.901 đối với đơn đăng ký quốc tế. Theo Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thì nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do mấy năm gần đây các thương hiệu của Việt Nam liên tục bị đối tác xâm hại, xảy ra nhiều vụ kiện về quyền sở hữu thương hiệu. Do vậy các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đều có ý thức đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm và thương hiệu của mình. Tuy nhiên, trong môi trường Internet, việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm không phải việc dễ dàng, các vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên.
Sản phẩm mang thương hiệu Elip của Trường Việt bị một số doanh nghiệp khác xâm phạm
Chẳng hạn, một hội viên của VECOM – Công ty XNK Trường Việt – là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu “ELIP” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhóm sản phẩm máy tập thể dục. Tuy nhiên, một số công ty khác đã sử dụng nhãn hiệu “ELIP” để kinh doanh các thiết bị máy tập cơ bụng và một số dụng cụ thể hình khác trên website của họ. Hành vi này vi phạm Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và sẽ bị xử lý theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, VECOM đã phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội nhắc nhở một số công ty có hành vi vi phạm nhãn hiệu ELIP. Tới ngày 14 tháng 3 năm 2013 một số công ty, trong đó có công ty Minh Phú, đã có các biện pháp khắc phục và gỡ bỏ các hình ảnh sản phẩm mang nhãn hiệu ELIP khỏi website của mình.
Ông Lê Mạnh Trường, CEO Trường Việt, cho biết: “Trong năm 2013, thương hiệu Elip của Trường Việt nhiều lần bị các doanh nghiệp khác xâm phạm. Khi đó, chúng tôi gửi công văn và tìm cách liên hệ với các doanh nghiệp vi phạm và yêu cầu họ dỡ bỏ sai phạm. Là doanh nghiệp phân phối đa dạng các sản phẩm mang thương hiệu Elip, chúng tôi phải chịu tổn thất nặng nề khi thương hiệu của Công ty bị xâm phạm. Chúng tôi hy vọng rằng quyền lợi hợp pháp của chúng tôi sẽ được pháp luật bảo vệ”.
Vụ việc trên như một hồi chuông cảnh tỉnh đến các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử về vấn đề bảo vệ thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Môi trường Internet mang tới sự thuận lợi cho người bán và người mua, tiết kiệm được chi phí, thời gian cho người tiêu dùng khi mua sắm. Tuy nhiên, một trong các mặt trái của nó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh trái phép hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến nên chọn lựa các kênh mua sắm uy tín và các sản phẩm đến từ các thương hiệu đã đăng ký và được bảo hộ.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ Nghị định 185, bao gồm việc rà soát và xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, góp phần tăng cường hiệu lực của pháp luật và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong mua sắm trực tuyến.
Phóng sự đảm bảo an toàn thông tin trên Tạp chí Kinh tế cuối tuần.
VECOM