Nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, dịp Ngày không tiền mặt 2024, Ngân hàng Nhà nước đề nghị miễn, giảm phí dịch vụ, tặng quà, hoàn tiền… cho khách hàng khi mở thẻ, tài khoản thanh toán.

Người tiêu dùng mua sắm và chọn hình thức thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người tiêu dùng mua sắm và chọn hình thức thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có những hoạt động nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhân Ngày không tiền mặt 2024.

Miễn, giảm phí dịch vụ khi thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử, hướng tới xã hội không tiền mặt; tiếp nối những thành công đã đạt được qua 5 năm tổ chức chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 16-6, đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng.

Theo đó, các đơn vị tích cực tiếp tục nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán hợp lý để thúc đẩy TTKDTM.

Trong đó, chính sách ưu đãi ưu tiên áp dụng đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến dịch vụ công và khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận trợ cấp an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, căn cứ nhu cầu, điều kiện hoạt động kinh doanh của mình, từng đơn vị xem xét, hưởng ứng, ủng hộ chủ trương nêu trên thông qua các chương trình ưu đãi, chính sách khuyến mại phù hợp trong thời gian diễn ra sự kiện (trong tháng 6 và đỉnh điểm vào Ngày không tiền mặt 16-6).

Cụ thể, đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đề nghị nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi hợp lý.

Phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán (đơn vị cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm…) thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng nhằm khuyến mãi khách hàng sử dụng TTKDTM như miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán; quà tặng, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng… cho khách hàng khi mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng…

Hoặc thanh toán hóa đơn, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ bằng các phương thức TTKDTM (thanh toán thẻ, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại di động, thanh toán qua mã QR…).

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét ưu đãi phí chiết khấu cho các đơn vị chấp nhận thanh toán tham gia, đồng hành trong các chương trình khuyến mãi, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.

Hoàn tiền, tặng điểm… khi liên kết ví với thẻ, tài khoản ngân hàng

Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ… nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến mại hợp lý (giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tặng/tích điểm thưởng, tặng quà…) cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí, phiếu quà tặng… cho khách hàng đăng ký, mở, liên kết thành công ví điện tử với thẻ ghi nợ nội địa, tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động xây dựng các chương trình, chính sách ưu đãi của đơn vị mình, quảng bá tới khách hàng và phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.

Về kết quả hoạt động thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến hơn.

Trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch TTKDTM tăng gần 60% về số lượng và hơn 32% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51% và 23%; qua kênh điện thoại di động tăng 63% và 33,4%.

Đặc biệt thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh mẽ nhất với 846% về số lượng và 1.100% về giá trị.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỉ đồng/ngày, tương đương 40 tỉ USD.

Ngày không tiền mặt 2024: Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn

Ngày không tiền mặt là sự kiện thường niên, do báo Tuổi Trẻ phối hợp với hai đơn vị của Ngân hàng Nhà nước là Vụ Thanh toán và Vụ Truyền thông phối hợp tổ chức từ năm 2019.

Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn”, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024 được tổ chức nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng cao an toàn trong giao dịch, thanh toán không tiền mặt.

Điểm nhấn của chương trình năm nay là hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn cho giao dịch ngân hàng số”, được tổ chức ngày 14-6 tại TP.HCM.

Hội thảo tập trung thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp để bảo vệ người dân an toàn khi giao dịch ngân hàng số.

Bên cạnh đó, Ngày khuyến mãi toàn quốc là sự kiện quan trọng của chương trình năm nay. Ban tổ chức sẽ đề xuất Bộ Công Thương ra quyết định công nhận ngày 16-6 hằng năm là Ngày khuyến mãi toàn quốc – Cashless Day, ngày hội mua sắm không tiền mặt lớn nhất Việt Nam với nhiều chương trình khuyến mãi trên cả nước dành cho thanh toán không tiền mặt.

Ngoài ra, điểm nhấn chương trình Ngày không tiền mặt 2024 là sự kiện livestream bán hàng giảm giá, phối hợp cùng TikTok Việt Nam và một số sàn thương mại điện tử tổ chức các phiên livestream bán hàng với ưu đãi giảm giá, quà tặng và khuyến mãi hấp dẫn khi thanh toán không tiền mặt.

 

Nguồn:https://tuoitre.vn/