Thương mại điện tử đang phát triển với một tốc độ chóng mặt, đặc biệt là ở châu Á. Theo thống kê và dự báo của eMarketer , Châu Á – Thái Bình Dương sẽ vượt qua Bắc Mỹ thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với doanh số bán hàng B2C dự báo tăng từ 383,9 tỷ USD vào năm 2013 lên 855,7 tỷ USD năm 2016. Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ sẽ là ba tay đua với tốc độ phát triển thương mại điện tử đứng đầu trong khu vực.

Doanh số bán hàng B2C theo khu vực (Đơn vị: tỷ USD)

2013 2014 2015 2016
Châu Á – Thái Bình Dương 383,9 525,2 681,2 855,7
Bắc Mỹ 431,0 482,6 538,3 597,9
Tây Âu 308,9 342,0 374,5 404,0

Nguồn: eMarketer

Doanh số bán hàng B2C của các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương (Đơn vị: tỷ USD và %)

2012 2013 2014 2015 2016 2017 Tăng trưởng bình quân
Trung Quốc 108,2 193,1 316,3 453,3 609,2 788,5 39,2%
Nhật Bản 119,4 107,2 114,9 122,5 129,4 135,8 2,2%
Úc 23,6 25,1 26,5 27,8 29,2 30,5 5,2%
Ấn Độ 9,1 12,2 16,1 20,9 26,1 31,3 22,9%
Indonesia 1,0 1,8 2,6 3,6 4,5 5,5 31,8%
Các quốc gia khác 39,9 44,6 48,9 53,1 57,4 61,4 14,4%
Châu Á – TBD 301,2 383,9 525,2 681,2 855,7 1.052,9 23,2%

Nguồn: eMarketer

Đông Nam Á cũng là thị trường được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh, ví dụ như Malaysia với doanh số dự báo tăng từ 3,65 tỷ USD năm 2013 lên 5,76 tỷ USD năm 2015. Một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do sự gia tăng nhanh chóng của số lượng người dùng Internet trong khu vực, được dự đoán tăng từ 118 triệu năm 2011 lên 205 triệu năm 2016.

Xu hướng thương mại điện tử bùng nổ kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ tiện ích đi kèm: thanh toán, giao hàng, v.v… Việc số lượng các đơn hàng được đặt mua trực tuyến ngày càng gia tăng đặt ra những vấn đề sau đặt hàng cần phải giải quyết: hàng hóa xuất kho cần được bảo quản và vận chuyển ra sao, thanh toán như thế nào, cách thức giao hàng cho người tiêu dùng, quản lý hàng hóa tồn kho, v.v… Tất cả những công đoạn này được gọi chung là các dịch vụ “hoàn tất đơn hàng” (“fulfillment services” hay “order fulfillment”). Các công ty cung cấp những dịch vụ này được gọi là công ty hoàn tất đơn hàng (“fulfillment house”, “fulfillment company” hay “fulfillment center”).

Rất rõ ràng, những công ty hoàn tất đơn hàng giúp cho việc kinh doanh thương mại điện tử trở nên chuyên môn hóa hơn và quá trình lưu chuyển hàng hóa trơn tru, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, loại hình này với còn khá mới mẻ đối với không chỉ những nền thương mại điện tử đang bước đầu hình thành như ở Việt Nam và các quốc gia châu Á, mà ngay cả trên thế giới, dịch vụ hoàn tất đơn hàng cũng đang được xem như là chìa khóa cho phát triển kinh doanh trực tuyến. Một công ty hoàn tất đơn hàng phục vụ các doanh nghiệp thương mại điện tử đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến để có thể cung cấp những dịch vụ như kho bãi (bao gồm bảo quản hàng hóa, theo dõi hàng hóa nhập-xuất kho, theo dõi đơn hàng, thông báo tình trạng tồn kho cho nhà sản xuất…); vận chuyển – giao nhận (xuất hàng, bao bì đóng gói, vận chuyển hàng, theo dõi quá trình vận chuyển…) và ngay cả những dịch vụ sau bán hàng như thanh toán, xử lý đơn hàng bị trả lại, v.v… Với một khối lượng thông tin khổng lồ, chỉ một sai sót nhỏ sẽ làm ảnh hưởng tới guồng quay của cả hệ thống.

Từ các Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử  hàng năm, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận thấy muốn đưa thương mại điện tử nước ta phát triển mạnh hơn nữa cần nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát và dịch vụ hoàn tất đơn hàng.

VECOM