Trách nhiệm trên vai người đứng đầu
Những năm gần đây, Nhà nước đã đẩy mạnh quyết tâm đưa ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính, công việc trong cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù nhiều nơi đã được trang bị máy tính, phần mềm nhưng người sử dụng thì vẫn cứ… thiếu quyết tâm, như “ngại” đọc văn bản qua mail, “đòi” in ra văn bản giấy… Ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng khẳng định: Đặt trong thực tế hiện nay, nếu chúng ta đã coi CNTT là một trong những công cụ để làm tăng năng suất, hiệu quả và minh bạch công việc, thì các hành vi thiếu trách nhiệm sử dụng công cụ này cũng cần được xem là hành vi thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc, cần phải được xử lý nghiêm bằng biện pháp, chế tài cụ thể.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải gắn liền với vấn đề cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Đề án 30 của Chính phủ. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy trong nhiều cơ quan lại chưa gắn liền với cải cách hành chính và điều hành, hoạt động vẫn thiếu minh bạch. Cùng đó, thực trạng này cũng gây nên nguy cơ lãng phí lớn cho ngân sách của Nhà nước khi đầu tư vào phần mềm, máy tính.
Chính vì vậy, ông Phạm Kim Sơn đưa ra quan điểm là cần xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, ban hành qui định nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước về ứng dụng CNTT cải cách hành chính, để từ đó làm động lực cho cán bộ các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng.
Về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Ứng dụng CNTT không chỉ là chuyện mua máy tính, phần mềm, mà ứng dụng là để cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý Nhà nước, là bớt hội họp, bớt sử dụng giấy tờ thủ công… để phục vụ doanh nghiệp, nhân dân ngày một tốt hơn. Để làm được điều này, thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cần được làm rõ. Thủ tướng cũng đã đề nghị Bộ TT&TT rà soát lại thực trạng để xây dựng cơ chế thực hiện.
Tháo gỡ chuyện “thu nhập thấp, thiếu nhân lực cao”
Việc thiếu nhân lực CNTT chất lượng cao lâu nay luôn là bài toán khó giải đối với các cơ quan Nhà nước. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do thu nhập của người làm công tác CNTT còn quá thấp, có sự chênh lệch lớn nếu đem so sánh với khối doanh nghiệp. Do đó, để sớm cải thiện được vấn đề, Chính phủ cần xem xét đưa ra chính sách đãi ngộ với người làm công tác CNTT có năng lực. Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương – ông Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ câu chuyện: Sở đã từng mời được một thạc sĩ chuyên ngành CNTT ở Hà Lan về làm việc, nhưng do mức thu nhập không thoả đáng nên chỉ chưa đầy một tháng sau, người này đã bỏ ra ngoài làm cho doanh nghiệp bên ngoài, để đặt vấn đề: Giữ chân được người có năng lực giữa lúc cơ chế Nhà nước chưa cho phép, phải làm cách nào?
Ông Tuyến cho rằng, cũng tương tự như câu chuyện rất nhiều bác sĩ “không chịu” về công tác ở vùng sâu, vùng xa Nhà nước phải đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt, thì nay các cơ quan đang thiếu cán bộ CNTT thì cũng phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích. Ông Tuyến chia sẻ: Để thu hút nhân lực, Sở TT&TT tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn xây dựng Kế hoạch khuyến khích, và may mắn, khi đưa ra đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh thông qua. Chính vì vậy hiện nay người làm chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh nếu có bằng đại học tin học ngoài lương hàng tháng được hưởng thêm phụ cấp 2 triệu đồng, bằng cao đẳng được 1,5 triệu. Với cách làm đó, bước đầu Bình Dương đã giữ chân được nhiều người có năng lực tốt, đồng thời thu hút thêm nhân lực CNTT vào làm trong cơ quan Nhà nước. Ông Tuyến thẳng thắn nhấn mạnh: “Nếu không “giữ chân” được nhân lực trình độ cao thì khó nói chuyện xây dựng văn phòng điện tử, rồi tiến tới Chính phủ điện tử.”
Tuy nhiên, một vấn đề cũng quan trọng không kém là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang công tác trong các cơ quan Nhà nước. Đối với lĩnh vực đặc thù như CNTT, thì một người dù có tốt nghiệp đại học CNTT nếu không muốn bị… lạc hậu nhanh chóng thì cần phải học liên tục. Tuy nhiên, quan điểm về chuyện đào tạo đội ngũ này hiện vẫn còn gặp nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Ví dụ như tại Bình Dương, Sở Tài chính lại áp nguyên tắc “công chức phải có bằng B Tin học, cử nhân CNTT thì phải biết quản trị mạng, phải biết an ninh mạng” nên “Không cần chi kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức CNTT”.
Trước bài toán nan giải đó, Sở TT&TT tỉnh đã xin ý kiến Sở Nội vụ xây dựng Đề án “Đảm bảo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh Bình Dương đến năm 2015” với nội dung mỗi năm tổ chức 60 lớp bồi dưỡng về CNTT, trong đó phân cấp rõ vấn đề nào ngân sách cấp huyện “gánh đỡ”, nội dung nào dùng ngân sách cấp tỉnh. Sau đó, Đề án đã được UBND tỉnh thống nhất thông qua. “Chính nhờ Đề án này, chúng tôi có căn cứ pháp lý để hàng năm đề nghị Sở Tài chính cấp kinh phí để triển khai cập nhật, nâng cao kiến thức cho đội ngũ làm CNTT trong cơ quan Nhà nước của tỉnh” – Ông Tuyến nói.